“Đổi mới kinh tế đến mức không thể không thay đổi chế độ chÍnh trị” – luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch

Công cuộc đổi mới ở nước ta thực chất là một cuộc cách mạng mới, sâu sắc, toàn diện; trong đó, đồng thời với đổi mới kinh tế là đổi mới chính trị với bước đi, hình thức phù hợp và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhưng, để thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực cơ hội, thù địch, họ cố tình không thừa nhận và ra sức xuyên tạc về cái gọi là “đổi mới kinh tế đến mức không thể không thay đổi chế độ chính trị”. Luận điệu đó cần được nhận diện rõ và kiên quyết đấu tranh.

Ảnh minh họa

Để thực hiện âm mưu chống phá, các thế lực cơ hội, thù địch tập trung vào những vấn đề mang tính ý thức hệ, điển hình là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Họ viện dẫn lý luận Mác – Lênin: quan hệ sản xuất chịu sự chi phối, quyết định của lực lượng sản xuất, khi lực lượng sản xuất phát triển thì quan hệ sản xuất tất yếu phải đổi mới cho phù hợp. Theo đó, sau 35 năm đổi mới kinh tế, quan hệ sản xuất tại Việt Nam đã thay đổi tới mức “không thể không thay đổi chế độ chính trị”; vì vậy, cần thay đổi chế độ chính trị hiện nay bằng một chế độ chính trị khác. Cho nên, họ đã xuyên tạc về chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta bằng luận điệu: đã chấp nhận kinh tế thị trường thì phải vận hành và tuân thủ theo quy luật của thị trường, nhưng kinh tế thị trường Việt Nam lại bị kìm kẹp bởi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mặt khác, kiến trúc thượng tầng do độc đảng nên Nhà nước can thiệp quá sâu vào kinh tế; thực chất kinh tế Việt Nam đã chuyển sang theo mô hình chủ nghĩa tư bản, nhưng không dám thừa nhận, rằng Đảng Cộng sản Việt Nam muốn duy trì sự thống trị của mình theo một luận thuyết xã hội chủ nghĩa đã lỗi thời, lạc hậu nên buộc phải lấp liếm, che đậy bằng chụp cho kinh tế thị trường cái mũ “định hướng xã hội chủ nghĩa”, v.v. Họ “lớn tiếng” rằng: ngày nay người lao động được đóng cổ phần trong các doanh nghiệp, nên đã là người làm chủ, không còn bị bóc lột, được quan tâm nhiều đến lợi ích; chủ nghĩa tư bản đã có nhiều điều chỉnh, do đó không còn mâu thuẫn đối kháng giai cấp, rằng chỉ có dưới chế độ tư bản, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự là nền kinh tế thị trường, mới được phát huy hết mọi tiềm năng phát triển đất nước vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ những lập luận đó, họ khẳng định, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã lỗi thời; Đảng Cộng sản với tư cách là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp cũng lỗi thời; vì vậy, cần phải thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam cho phù hợp sự đổi mới và theo kịp sự phát triển của kinh tế, v.v. Các luận điểm đó đều là phi lý, không có cơ sở thực tiễn khoa học.

Như chúng ta đã biết, chính trị có mối quan hệ biện chứng sâu sắc với kinh tế, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, chính trị không thể không chiếm địa vị hàng đầu so với kinh tế. Và, chính trị cũng mang tính độc lập tương đối, có vai trò tác động trở lại tích cực đối với kinh tế. Mối quan hệ đó đã cho thấy: đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị phải bảo đảm tính hài hòa để kinh tế và chính trị cùng phát triển, góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận phát triển chung của nhân loại. Vận dụng lý luận khách quan đó, ngay từ khi đề ra đường lối đổi mới, Đảng ta đã xác định: tập trung làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị. Đảng chủ trương chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế tập trung, bao cấp chủ yếu dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là bước chuyển từ nền kinh tế cơ bản là “khép kín” sang nền kinh tế “mở” đối với khu vực và thế giới, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, chúng ta đã đổi mới mạnh mẽ tư duy chính trị về chủ nghĩa xã hội; đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước nhằm giữ vững ổn định chính trị để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế – xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong toàn bộ quá trình hơn 35 năm lãnh đạo công cuộc đổi mới của Đảng, đều tiến hành đồng thời giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, bằng những bước đi phù hợp với thực tiễn. Đến nay, công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”1.

Về đổi mới kinh tế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện”2. Bộ máy Chính phủ thực hiện tốt vai trò kiến tạo, nỗ lực tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để tập trung, chuyển hóa nguồn lực từ tất cả thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế – xã hội. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay, chúng ta đạt được những thành tựu rất quan trọng. Chỉ sau 05 năm đã đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau 10 năm nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Trong 10 năm gần đây, GDP bình quân đầu người tăng gấp hơn hai lần, từ 1.331 USD năm 2010 lên 2.779 USD năm 2020. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt, kinh tế đối ngoại Việt Nam được mở rộng và phát triển. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của Việt Nam; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Hiện đã có 136 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Tính đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới và được truyền thông quốc tế ca ngợi, như: “mảnh đất tiềm năng” (Forbes), “bình minh đang lên” (báo Nga), “ngôi sao sáng” (Asia Times), “phép màu châu Á” (New York Times), “con hổ châu Á” (Nikkei Asia), v.v.

Về đổi mới chính trị, Đảng đã nghiên cứu và xây dựng một hệ thống lý luận chính trị khá hoàn chỉnh; trong đó, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, sáng rõ hơn và từng bước hiện thực hóa; nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục được củng cố, bổ sung và phát triển, là cơ sở quan trọng để hoạch định đường lối, chủ trương một cách đúng đắn. Công tác “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới tinh, gọn, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”3. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Giai đoạn 2011 – 2020, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chính phủ được sắp xếp, điều chỉnh, giảm đầu mối theo hướng tổ chức các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực4. Cơ chế hoạt động của Chính phủ cũng có sự đổi mới quan trọng, chủ yếu quản lý ở tầm vĩ mô thông qua chính sách, kế hoạch, pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.

Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh phù hợp hơn. Sự phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội được tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng hộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới. Vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững và tăng cường; phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ, nâng cao rõ rệt chất lượng và hiệu quả hoạt động. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Văn hóa, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện một bước quan trọng. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và bước đầu đạt kết quả tích cực, rõ nét. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy, mở rộng hơn, người dân được thông tin, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, v.v.

Điều đó đã minh chứng, luận điệu của các thế lực cơ hội, thù địch về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta là hoàn toàn xuyên tạc sự thật. Cái mà họ cho là “đổi mới kinh tế đến mức không thể không thay đổi chế độ chính trị” thực chất chỉ là biện pháp để thực hiện âm mưu thâm độc của chúng là làm cho kinh tế nước ta không phát triển, đất nước không ổn định, nhân dân mất lòng tin với Đảng, với chế độ, làm cơ sở để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thực tiễn trên cũng khẳng định: Đổi mới kinh tế không thể tiến hành một cách tùy tiện, vô nguyên tắc; đổi mới chính trị phải thận trọng, chắc chắn, không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ; mở rộng dân chủ không giới hạn, không mục tiêu cụ thể và không đi đôi với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới. Đổi mới chính trị không có nghĩa là thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của chế độ chính trị – xã hội, không phải là thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, mà là để phát huy vai trò tính tích cực của chính trị trong phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới phải vì mục tiêu xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đảm bảo cho họ ngày càng được thụ hưởng nhiều hơn. Đổi mới chính trị là để chính trị phù hợp, đồng bộ với kinh tế, là để phát huy vai trò tích cực, năng động của nó trong phát triển kinh tế nói riêng, phát triển tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung. Bởi vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo trước quan điểm “Đổi mới kinh tế đến mức không thể không thay đổi chế độ chính trị”; bởi, đó chỉ là những phát ngôn hồ đồ, thiếu tính khoa học, không đúng với tình hình thực tiễn Việt Nam hiện nay.

Đại tá, TS. PHẠM QUANG THANH và Thiếu tá, Ths. NGUYỄN TUẤN ĐẠT/TCQPTD

­­­_____________

1 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 104.

2 – Sđd, tr. 59.

3 – Sđd, tr. 71.

4 – Giảm 03 đầu mối trực thuộc Trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện, hơn 4.100 đơn vị sự nghiệp công lập, 97.900 biên chế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.