ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC KIỀU BÀO LUÔN ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC

Trí thức Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng không thể tách rời với dân tộc, với đất nước và đã có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế nhưng, vừa qua trên trang mạng Đối Thoại đã tán phát bài viết: “Tại sao trí thức việt kiều không về giúp Việt Nam? Nội dung bài viết cho rằng: Lý do trí thức hải ngoại không về giúp Việt Nam là vì “bị trù dập và đàn áp liên tục”; là do “tình trạng tham nhũng tràn lan trong Chính quyền và trong đảng”; “chủ trương chính sách của Đảng CSVN tiếp tục chai lỳ kiên định thứ Chủ nghĩa đã lỗi thời” ...  Thực chất đây là luận điệu xuyên tạc nhằm kích động, gây mất lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm tập hợp, thu hút và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người việt nam ở nước ngoài; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới… Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng khẳng định: “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”… Như vậy, có thể khẳng định, những chủ trương, quan điểm của Đảng về thu hút, tập hợp và phát huy nguồn lực trí thức kiều bào là khá toàn diện.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 đến 12% trong cộng đồng, hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, chủ yếu đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Nga… Trung bình mỗi năm có khoản 500 chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia nghiên cứu, giảng dạy ở trong nước. Các mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tên tuổi của trí thức kiều bào đã xuất hiện, ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo của đất nước. Tiêu biểu như: Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn (Giáo sư Trần Thanh Vân – kiều bào Pháp); Viện khoa học và công nghệ tính toán Thành phố Hồ Chí Minh (Giáo sư Trương Nguyện Thành – kiều bào Hoa Kỳ); trường Doanh thương Trí Dũng (Tiến sỹ Nguyễn Trí Dũng – kiều bào Nhật Bản)…

Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới đã đánh giá: “Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố”. Đây là sự thật hiển nhiên và là minh chứng hùng hồn nhất đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sự đóng góp to lớn của lực lượng tri thức người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước ta của các thế lực thù địch, phản động.

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *