Lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam: Thủ đoạn không mới những cực kỳ nguy hiểm!

Trong những năm qua, tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những “mảnh đất màu mỡ” thường xuyên bị các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc hòng chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ lương – giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam. Một trong những chiêu bài được các phần tử cơ hội, thế lực thù địch thường xuyên sử dụng chính là lợi dụng sự đối lập về thế giới quan của tôn giáo và thế giới quan duy vật biện chứng trong nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng tuyên truyền trong giáo dân và một bộ phận người dân thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đầy đủ về chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà nước tạo tâm lý bất mãn khi cho rằng chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo, từ đó tạo ra khoảng cách, sự đối kháng giữa tôn giáo với đời sống hiện thực xã hội chủ nghĩa. Từ đó, kích động giáo dân chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cùng với đó, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, triển khai các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở để kích động dân chúng, nhất là giáo dân gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương. Chúng cũng thường xuyên lợi dụng đức tin của các tôn giáo nhằm lôi kéo chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ lương dân với giáo dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, chúng dựa vào đặc điểm địa lý; điều kiện khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo để dựng lên các thứ ngụy tôn giáo, nhằm thực hiện âm mưu hình thành “Ủy ban liên tôn đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo”, thành lập tổ chức “Liên tôn chống cộng”… để chống phá…

Thực tế thời gian qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc. Chính sách này đã được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế. Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”, “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự; 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam trong thời gian qua như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…

Dù thực tế rõ ràng như vậy, song có thể thấy tôn giáo, qua bàn tay nhào nặn của các tổ chức thù địch với Việt Nam đã mất đi ý nghĩa linh thiêng của nó mà đã bị biến thành công cụ, phương tiện để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ, chống phá hòng lật đổ nhà nước Việt Nam. Thủ đoạn này hoàn toàn không có gì mới mẻ song lại cực kỳ nguy hiểm, cần phải bị lên án mạnh mẽ!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.