Khi sổ bảo hiểm xã hội bị bán rẻ
Những ngày gần đây việc một số đối tượng thu gom, mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) lại rộ lên. Đáng nói là lợi dụng ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhiều trang mạng công khai mạo danh là của cơ quan BHXH để rao mua bán sổ BHXH. Việc mạo danh cơ quan BHXH để trục lợi đã gây ảnh hưởng lớn đến người lao động và uy tín của cơ quan BHXH, đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hình sự.
Không khó để gặp những trang thông tin, số điện đăng công khai về dịch vụ cầm cố, mua bán sổ BHXH. Gõ cụm từ tìm kiếm “mua bán sổ BHXH” trên Facebook, lập tức hàng trăm trang Fanpape, Facebook liên quan đến hoạt động bán sổ BHXH hiện ra như: Thu mua sổ BHXH; Mua sổ BHXH; Mua sổ BHXH Toàn Cầu; Thu mua sổ BHXH giá cao; Mua & bán sổ BHXH; Thu gom sổ BHXH; Mua bán cầm cố sổ BHXH…
Mới đây nhất là việc xuất hiện một số trang Facebook giả mạo BHXH tỉnh Bình Dương – tỉnh này tập trung rất đông công nhân, người lao động làm việc, để rao mua bán sổ BHXH. Trong khi đó, cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương cho biết không có và không sử dụng trang facebook chính thức nào, điều đó chứng tỏ các tài khoản facebook lấy tên BHXH tỉnh Bình Dương đều là giả mạo.
Cùng với các trang mạng xã hội rao nhận dịch vụ thu mua sổ BHXH, hiện nay nhiều đối tượng cũng làm dịch vụ nhận cầm cố, thế chấp hoặc thu mua, thu gom sổ BHXH, hoạt động tại các khu công nghiệp có đông công nhân. Không ít công nhân đã mang sổ BHXH của mình để cầm cố vay tiền, nhiều trường hợp đã tặc lưỡi bỏ luôn sổ BHXH do không có tiền chuộc vì tiền quá hạn tăng.
Nhiều lao động đã lâm vào tình cảnh trắng tay vì mang sổ BHXH đi cầm cố và bán. Để dẹp nạn thu mua sổ BHXH công khai trên mạng xã hội ngành BHXH đã phối hợp cùng với công an vào cuộc xử lý nhiều cá nhân, nhiều trang web, fb về hành vi rao thu mua sổ BHXH; một số người lao động cũng đã bị phạt vì mang sổ BHXH đi cầm cố. Thế nhưng tình trạng mang sổ BHXH đi cầm cố, bán vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo quy định sổ BHXH ghi nhận lại toàn bộ quá trình đóng tiền BHXH hàng tháng của người lao động. Những người bán sổ, cầm cố sổ BHXH tại ngân hàng, hiệu cầm đồ, không thuộc đối tượng được cấp lại sổ BHXH. Trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27, Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ. Với trường hợp đã được cấp lại với lý do mất sổ và đã đem sổ mới cấp đi giải quyết chế độ lĩnh BHXH một lần, người lao động không thể đem sổ nhận thế chấp đi lĩnh chế độ BHXH trùng một lần nữa. Cá nhân hay đơn vị nhận cầm cố sổ BHXH cũng không thể dùng sổ BHXH đó để lĩnh hộ lương hưu hay lĩnh BHXH một lần. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội vẫn vô cùng sôi động.
Nguyên nhân dẫn đến việc người lao động dễ dãi trong việc mua bán, cầm cố sổ BHXH như hàng hóa, theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, là do người lao động chưa nhận thức đúng về giá trị của sổ BHXH đối với cuộc sống của mình khi về già. Bên cạnh đó, hiện chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi cầm cố, thu mua sổ BHXH, nhất là việc lợi dụng mua bán, cầm cố để trục lợi bất chính. Đáng chú ý là quy trình tiếp nhận và chi trả của cơ quan BHXH vẫn có nhiều lỗ hổng. Thực tế đã có trường hợp giám đốc BHXH quận, huyện đã bị phê bình vì giải quyết BHXH một lần cho một người nhận ủy quyền cho nhiều người mà không thẩm tra lại.
Việc mua bán, cầm cố sổ BHXH trái quy định cần phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Cơ quan chức năng cần kiên quyết không giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp một lần đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu trục lợi từ việc thu gom, mua bán sổ BHXH. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức cầm cố, mua bán sổ BHXH trái quy định, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các tổ chức, cá nhân liên quan. Cùng với đó cũng cần sớm có cơ chế cho vay, tín dụng phù hợp, đơn giản để giúp người lao động giải quyết các khó khăn tức thời mà không phải cầm cố, bán rẻ sổ BHXH.
(daidoanket.vn)