Các tổ chức nhân quyền ở đâu khi chính quyền Mỹ trấn áp người biểu tình bằng vũ lực?

Từ vụ việc anh da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin dùng đầu gối đè cổ cho đến chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) đã làm cộng đồng người da màu trên toàn nước Mỹ hết sức phẫn nộ. Đó là nguyên nhân trực tiếp làm dấy lên các cuộc biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Sự việc đã diễn ra nhiều ngày qua nhưng tới thời điểm này, tuyệt nhiên vẫn chưa thấy bóng dáng của một tổ chức nhân quyền nào ở Mỹ lên tiếng.

Cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối đè lên cổ George Floyd trong vụ bắt hôm 25/5

Trong bức tranh biểu tình, hỗn loạn đó nổi bật lên là hành động đối phó, ứng xử bằng bạo lực của các lực lượng chức năng Mỹ. Pháp luật Mỹ cho phép cảnh sát bắn vào bất cứ kẻ nào chống đối. Thế nên, không quá khó hiểu khi người biểu tình bị chiếc xe SUV của cảnh sát New York đâm thẳng trực diện. Chưa kể, người biểu tình còn bị bắn bằng đạn cao su, xịt hơi cay, bị dí roi điện, lựu đạn khói… họ có thể sẽ bị thương hoặc chết bất cứ lúc nào. Chẳng hạn ở bang Indiana, một người đã bị bắn chết trong vụ nổ súng hay một nữ phóng viên đưa tin về biểu tình bị trúng đạn cao su khiến mắt trái mù vĩnh viễn…

Trước những hành động bạo lực như vậy lại không thấy bất kỳ một tổ chức nhân quyền ở trong và nước Mỹ lên tiếng chỉ trích. Hàng loạt tổ chức như “Người Bảo vệ Nhân quyền” Defend the Defender (DTD), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới (RSF), Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Mỹ (USAGM), thậm chí là tổ chức Nhân quyền Human Rights Foundation (HRF) có trụ sở ở New York thường xuyên lên tiếng chỉ trích các vấn đề nhân quyền ở các nước, trong đó có nước Việt Nam, nay lại im hơi lặng tiếng trước tình cảnh người da màu Mỹ bị trấn áp bằng bạo lực.

Điều đáng nói ở đây là các tổ chức nhân quyền luôn tự khoác lên mình chiếc áo quan tòa để cho mình cái quyền rao giảng, đánh giá, phán xét về các vấn đề nhân quyền của các quốc gia không phù hợp “khẩu vị” và lợi ích của phương Tây, trong đó có Việt Nam. Lợi dụng cái mác đấu tranh vì “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ ở các nước khác đã trở thành sở trường của những tổ chức này. Cụ thể, ở Việt Nam có một số đối tượng vi phạm pháp luật bị bắt giữ, truy tố và xét xử theo đúng quy định luật pháp hiện hành, thế nhưng các tổ chức nhân quyền, đặc biệt là HRF chuyên đi rêu rao, xuyên tạc để bảo vệ cái gọi là những “nhà hoạt động và bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm” để từ đó đưa ra những đánh giá, nhận định sai trái về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người; thực tế rõ ràng là điều mà bất kỳ một ai cũng không thể phủ nhận và bác bỏ. Cũng là biểu tình đấy, nhưng cách các lực lượng chức năng của Việt Nam đối xử với người dân lại hoàn toàn khác với cảnh sát Mỹ. Dù được huấn luyện chuyên nghiệp, được trang bị đầy đủ các phương tiện chiến đấu nhưng trước nhân dân, họ chấp nhận buông vũ khí, đứng yên để nhân dân ném bùn đất vào người, không để rơi vào tình thế đối đầu với nhân dân. Những hình ảnh xúc động thế này chưa bao giờ được các tổ chức nhân quyền thế giới ghi nhận, thay vào đó chỉ có những luận điệu xuyên tạc, vu cáo hòng tạo mâu thuẫn giữa nhân dân và chính quyền, gây bất ổn tình hình xã hội trong nước ta.

 “Làm ơn! Tôi không thể thở” là lời nói cuối cùng của anh da màu George Floyd bị viên cảnh sát Mỹ dùng gối đè cổ cho đến chết đang trở thành khẩu hiệu biểu ngữ có tính lay động lòng người và đang lan tỏa khắp nước Mỹ. Một tổ chức nhân quyền đúng nghĩa chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc nhìn nhiều người da màu ở Mỹ bị trấn áp bằng bạo lực như vậy. Thế nên, nếu không có tổ chức nhân quyền nào lên tiếng thì thật khó để người dân Việt Nam không nghĩ rằng họ thực chất chỉ là bàn tay nối dài của các tổ chức thù địch lợi dụng “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam vì động cơ chính trị đen tối mà thôi!

(KSSB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.