ĐẤU TRANH VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27/7

Cứ đến gần dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 thì các thế lực thù địch, phản động lại đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về công lao của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ và sự tri ân của của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với gia đình chính sách, người có công. Chúng đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc rằng “Đảng, Nhà nước ta đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”; “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa, sự hy sinh đó có xứng với những chính sách ưu đãi hiện nay?”… Họ còn kích động, kêu gọi, tập hợp những người bất mãn để lập ra các hội, nhóm cựu chiến binh, từ đó xúi giục, kích động biểu tình, viết thư ngỏ đòi yêu sách, gây rối an ninh trật tự.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Có thể thấy, đây là các luận điệu xuyên tạc quen thuộc nhưng hết sức nguy hiểm, dễ tác động đến tư tưởng của quần chúng nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Xin hãy nhớ rằng, để có được đất nước hòa bình, thống nhất như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi biết bao xương máu của các Anh hùng liệt sĩ. Từ mũi Cà Mau đến địa đầu Lũng Cú, những nghĩa trang liệt sĩ với hàng vạn ngôi mộ trải dài cùng dáng hình đất nước, đã đủ để tất cả những ai hôm nay thấy được tận cùng sự mất mát, hy sinh to lớn của dân tộc. Đất nước thống nhất, hòa bình nhưng vẫn còn đó, hàng triệu thương binh, bệnh binh ngày ngày chịu đựng những đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Vẫn còn đó những người mẹ, người vợ mãi mãi mất con, mất chồng, nỗi đau không gì bù đắp. Vẫn còn đó, hàng vạn cựu thanh niên xung phong, đã để lại cả tuổi xuân mười tám, đôi mươi nơi chiến trường khốc liệt…

Để tri ân những công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”. Quán triệt lời căn dặn của Bác, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi người có công và phát động sâu rộng trong cả nước phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc, giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và thực sự đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Với những việc làm thiết thực, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa dân tộc. Phong trào đã và đang phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức phong phú như: chăm sóc, giúp đỡ các gia đình liệt sỹ, thương binh, thanh niên xung phong neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng sổ tiết kiệm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhận chăm sóc phụng dưỡng thương bệnh binh, gia đình thương binh, liệt sĩ; tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ; chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam; tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho thương, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng thương binh nặng; tổ chức các hoạt động về nguồn…

Những việc làm đó đã thể hiện rõ được ý Đảng, lòng dân, là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phần nào xoa dịu nỗi đau mất mát, giúp các gia đình liệt sĩ, thương binh vượt qua đau thương, không ngừng vươn lên trong cuộc sống, công tác để tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Đồng thời đây cũng là minh chứng sinh động để bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu vì nền hòa bình độc lập, tự do của dân tộc. Tri ân những người có công với đất nước vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân phải hết sức tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cuả các thế lực thù địch. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu, biết ơn và trân trọng những đóng góp hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng để đất nước được hòa bình, độc lập, thống nhất.

(BVTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.