Không thể xuyên tạc chủ trương thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh
Việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) là chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp QPAN để chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Song, trên một vài trang mạng xã hội vẫn có thông tin cố tình xuyên tạc, bóp méo chủ trương này với âm mưu phá vỡ sự đồng thuận xã hội, gây mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, Quân đội hòng phục vụ mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động.
Theo quy định của Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp (ĐVCN), Quỹ Công nghiệp QPAN là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Tuy nhiên, sau khi Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN được Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV thông qua thì trên một vài trang mạng xã hội đã xuất hiện luận điệu xuyên tạc, quy chụp, như: “Bộ Quốc phòng muốn lập Quỹ Công nghiệp QPAN để chiếm đoạt ngân sách quốc gia”; “quỹ này là hình thức lách luật để bòn rút ngân sách lâu dài, có tính toán của phía Quân đội”… Các đối tượng phản động cố tình bóp méo mục đích, cơ chế hoạt động của Quỹ Công nghiệp QPAN với luận điệu: “Sản phẩm “mật” có tính rủi ro cao, chẳng khác nào những sản phẩm không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin, nghĩa là quỹ này sẽ chế tạo ra sản phẩm “mật”, người dân không được biết thông tin, và nếu sản phẩm không có chất lượng thì đó là rủi ro, người dân không được lên tiếng ý kiến”…
Trước hết, cần khẳng định rõ, việc chuẩn bị Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN (trong đó có quy định thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN) được tiến hành rất kỹ lưỡng, trong suốt thời gian dài, bảo đảm sự bài bản, cẩn trọng, phát huy dân chủ trên cơ sở cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với các bộ luật có liên quan và tình hình thực tiễn đất nước.
Từ đầu năm 2022, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định: Công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo, xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù, được ưu tiên trong đầu tư, phát triển và coi trọng phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng.
Cuối tháng 3-2024, trong Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN, đại đa số các đại biểu tán thành việc thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN nhằm hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp QPAN; coi đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.
Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV (tháng 5-2024), khi thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN, một lần nữa, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN là rất cần thiết để bảo đảm yêu cầu xây dựng nền công nghiệp QPAN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.
Thực tế những năm qua cho thấy, công nghiệp QPAN là lĩnh vực có tính đặc thù cao; trực tiếp liên quan đến khả năng tác chiến, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực QPAN, bảo vệ Tổ quốc, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp QPAN, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách QPAN của chúng ta thời gian qua chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Việc bố trí ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm chưa được thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), để tiếp cận nhanh với nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiệm cận với các nước có nền công nghiệp QPAN phát triển, việc thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN sẽ giúp giảm “gánh nặng” cho ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực, để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp QPAN, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, tại phiên thảo luận ngày 30-5-2024 của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chia sẻ: Nếu chúng ta sử dụng ngân sách theo quy trình của sử dụng ngân sách nhà nước thì có những trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và độ bảo mật cũng hạn chế hơn rất nhiều. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều xây dựng các quỹ tài chính phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với nhiều tên gọi, hình thức khác nhau.
Mặt khác, Điều 22 Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN đã quy định rõ việc Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Công nghiệp QPAN. Đồng thời, các nội dung về nguồn hình thành quỹ này được Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN quy định rất cụ thể, rõ ràng và có tính khả thi, nhất là khoản trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Công nghiệp QPAN cũng được quy định rõ: Không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt. Đây chính là cơ sở pháp lý bảo đảm việc huy động, sử dụng Quỹ Công nghiệp QPAN được thực hiện đúng mục đích, công khai, minh bạch. Hoàn toàn không có cái gọi là “người dân không được lên tiếng ý kiến” như các thế lực thù địch đang cố tình xuyên tạc, bóp méo.
Như vậy, có thể thấy, việc thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm QPAN. Quỹ này chính là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp QPAN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Trung tá, TS TẠ QUANG ĐẠO/QĐND
Phòng Khoa học Quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị