LÊN ÁN, XỬ LÝ NHỮNG KẺ BÌNH LUẬN KHIẾM NHÃ, ÁC Ý TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Tối ngày 22/7 vừa qua, đêm chung kết Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 đã khép lại với ngôi vị cao nhất thuộc về Huỳnh Trần Ý Nhi. Sau khi đăng quang, tân hoa hậu đã không ngần ngại giới thiệu bạn trai là mối tình đầu từ thời học sinh trước toàn thể khán giả.

Ngay lập tức, điều này đã được cư dân mạng quan tâm, bình luận xôn xao. Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều bài viết, video liên quan vấn đề này, thu hút hàng nghìn bình luận, bên cạnh những bình luận chung vui, chúc phúc đôi bạn trẻ vừa 21 tuổi thì cũng đan xen không ít bình luận đùa cợt quá đà, khiếm nhã, thậm chí là ác ý, xúc phạm đến Hoa hậu Ý Nhi và bạn trai.

Trước Hoa hậu Ý Nhi thì ca sĩ Lynk Lee, cầu thủ Thanh Nhã và một số nữ ca sĩ, diễn viên khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thậm chí, một bộ phận cộng đồng mạng còn thích thể hiện “thành tích” của mình khi kéo nhau vào bình luận xúc phạm, miệt thị các trọng tài, huấn luyện viên, cầu thủ nước ngoài trong tài khoản của họ sau những trận bóng đá mà đội tuyển Việt Nam thua trận. Những cư dân mạng này lấy đó làm tự hào, nhưng thực tế thì chẳng khác gì tự nhục, khi đã thua kém về trình độ chuyên môn lẫn văn hóa ứng xử. Chính họ đã cho thấy việc Việt Nam có “thành tích” top 5 Quốc gia ứng xử kém văn minh trên Internet là không oan.

Khi việc bình luận khiếm nhã, ác ý đang tạo thành một thói quen xấu thì liệu rằng những người đưa ra những bình luận này có tự thấy được chính họ là những con dao đang cứa những vết thương lên người khác, gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Rõ ràng, một bộ phận thiếu văn hóa sẽ thấy nhưng vẫn tiếp tục bình luận, một bộ phận thiếu tư duy nhận thức sẽ không thấy và cứ thế vội vàng phán xét.

Để rồi, không phải ai cũng mạnh mẽ, bản lĩnh bỏ qua những lời bình nhẫn tâm đó, nhiều trường hợp đã bị ám ảnh với những bình luận như thế, dẫn đến thay đổi tâm lý, suy sụp tinh thần, trầm cảm. Thậm chí có trường hợp đã chọn tự kết thúc đời mình vì những lời bình luận ác ý từ những kẻ hoàn toàn xa lạ trên mạng xã hội. Phải nói rằng, cái khủng khiếp của “giao tiếp bằng bàn phím” là người ta không có dịp nhìn vào mắt nhau, không nhìn thấy cảm xúc, trạng thái của nhau, vì thế mà không có sự hoạt động của trí thông minh cảm xúc, tư duy nhận thức, từ đó không có sự đồng cảm, thấu hiểu, dẫn đến những hành động tai hại.

Khi mà các nền tảng mạng xã hội đều tồn tại những lỗ hổng trong việc kiểm soát, xử lý nội dung thông tin thì tình trạng nhan nhản bình luận khiếm nhã, ác ý sẽ còn tiếp diễn. Do đó, để góp phần tạo một cộng đồng văn minh hơn trên không gian mạng, chính mỗi bản thân người dùng phải thể hiện văn hóa ứng xử của mình bằng cách chia sẻ điều hay, điều tích cực thay vì những lời lẽ khiếm nhã. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn lên án, tẩy chay nhứng trường hợp vẫn cố tình xả “rác” trên môi trường mạng. Về phía các cơ quan chức năng, cần xử lý nghiêm các trường hợp có bình luận khiếm nhã, ác ý, vi phạm quy định pháp luật trên mạng xã hội để răn đe chung. Theo quy định pháp luật, người có hành vi bình luận khiếm nhã, phản cảm trên mạng xã hội nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị xử lý vi phạm hành chính (theo quy định tại Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP) hoặc bị xử lý hình sự với tội làm nhục người khác (theo Điều 155 Bộ luật Hình sự).

Thảo Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.