Di sản vĩ đại của V.I.Lênin mãi mãi trường tồn với thời gian và soi sáng con đường chúng ta đi

V.I.Lênin (1870-1924) là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Người đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác thành học thuyết Mác – Lênin, mở ra trang sử mới cho cách mạng vô sản thế giới. Mặc dù trong nhiều năm qua, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, cơ hội, xét lại vẫn không ngừng tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để thủ tiêu những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội; ra sức xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận, nhưng những di sản vĩ đại mà Lênin để lại luôn được lịch sử thế giới, nhân loại tiến bộ trân trọng ghi nhận và tôn vinh. Di sản mà Lênin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và tư tưởng lý luận.

Về di sản tư tưởng lý luận, Lênin là người đã kế tục, bảo vệ và phát triển một cách xuất sắc, toàn diện chủ nghĩa Mác, bao gồm cả triết học, kinh tế chính trị học mác-xít và chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện mới. Người đã phê phán một cách khoa học, thuyết phục những quan điểm tư tưởng, trào lưu lý luận sai lầm, như phái “dân túy” Nga, phái “mácxít hợp pháp”, khuynh hướng “tả” khuynh, “hữu” khuynh trong phong trào công nhân, chủ nghĩa cơ hội, xét lại… để bảo vệ chủ nghĩa Mác; đồng thời, bổ sung, phát triển nhiều luận điểm cụ thể của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như sự phát triển của khoa học đương thời.

Nhiều vấn đề ở thời đại của C.Mác và Ph.Ăngghen, thực tiễn lịch sử chưa đặt ra, nhưng được đặt ra trong thời đại mới đã được Lênin tìm ra câu trả lời đúng đắn, phát triển hết sức sáng tạo… Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ của cuộc đấu tranh cách mạng, trước sau như một, Người luôn xuất phát từ bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác và từ thực tiễn đấu tranh cách mạng để bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác.

Về thực tiễn, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực.  Khác với các cuộc cách mạng trước đó, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga không thay thế hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà cuộc cách mạng này đã thiết lập nền chuyên chính vô sản, thủ tiêu mọi hình thức bóc lột, vì vậy đã tạo ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử, mở ra một thời đại mới cho nhân loại – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin đã mở ra những chân trời mới, soi đường cho nhân dân ta trong cuôc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vô cùng cảm động và hạnh phúc khi đọc tác phẩm “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin”. Người nói: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Từ đó, Người đi theo Lênin, trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên đem chủ nghĩa Mác – Lênin về với cách mạng Việt Nam. Nhờ đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng và giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây, chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, tư tưởng lý luận của Lênin nói riêng đã và đang bị các thế lực thù địch điên cuồng chống phá bằng nhiều thủ đoạn. Nhưng chính sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch thì càng chứng tỏ tinh thần khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của tư tưởng Lênin. Dù hiện nay trên thế giới, sau sự tan rã ở Liên Xô và các nước Đông Âu, một số người tỏ ra hoang mang, dao động, thậm chí từ bỏ hệ thống lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng tinh thần khoa học, tính cách mạng, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn còn mãi trong trái tim, khối óc của hàng triệu, hàng triệu người trên toàn thế giới.

Lênin đã đi xa, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của Người vẫn là tấm gương sáng ngời để những người cộng sản chân chính trên toàn thế giới phấn đấu học tập, noi theo; tư tưởng, lý luận của Người vẫn sống mãi cùng thời gian, là ngọn cờ cách mạng soi sáng con đường giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của các dân tộc trên toàn thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”.

(NQ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.