LUẬT SƯ “TUỘT XÍCH” NGUYỄN VĂN ĐÀI LẠI XUYÊN TẠC VIỆC QUỐC HỘI VIỆT NAM CHUẨN BỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Vừa qua, trong phiên bế mạc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh việc triển khai quy trình sửa đổi Hiến pháp và các bộ luật liên quan theo Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, dự kiến sẽ tiến hành trong đầu tháng 5/2025. Mục đích của việc này nhằm tạo ra một bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ. Đồng thời, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ đảm bảo tuân thủ nguyên tắc và điều chỉnh các quy định liên quan đến chính quyền các cấp trong nước.
Tuy nhiên, một số tổ chức phản động, đối tượng thù địch, lưu vong ở nước ngoài lại lợi dụng tình hình để xuyên tạc, chống phá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trên các diễn đàn xã hội và các kênh truyền thông nước ngoài, những kẻ này đã đưa ra những luận điệu sai lệch, cho rằng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là “nóng vội” và mang tính “cuộc chiến chính trị”, với âm mưu gây hoài nghi và làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Một trong những cá nhân phát ngôn sai sự thật là đối tượng Nguyễn Văn Đài, người đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài. Trong một bài viết gần đây, Nguyễn Văn Đài đã tuyên bố rằng việc sửa đổi Hiến pháp là “vi hiến” và kêu gọi phải bỏ Điều 4 Hiến pháp để tạo ra sự thay đổi trong cơ cấu chính trị của đất nước.
Cần khẳng định rằng, việc sửa đổi Hiến pháp 2013 không hề vi phạm Hiến pháp hiện hành. Theo Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc sửa đổi này được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ và hợp pháp, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy Quốc hội, phối hợp với các cơ quan chức năng. Các sửa đổi lần này chủ yếu tập trung vào tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, đặc biệt là việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện. Các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây cũng đã diễn ra tương tự và đều đảm bảo tính hợp pháp và sự tham gia của nhiều cơ quan có thẩm quyền. Quy trình này sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt, nhằm tạo ra một hệ thống chính trị phù hợp và hiệu quả hơn.
Việc kêu gọi xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp của nước ta là một phần trong chiến lược của các thế lực thù địch nhằm làm suy yếu vai trò của Đảng, phá hoại nền tảng chính trị của đất nước và đe dọa sự ổn định của chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều 4 của Hiến pháp đã xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều này không thể thay đổi vì nó là cơ sở pháp lý cao nhất và là nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng và đưa đất nước phát triển vững mạnh. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được Nhân dân và lịch sử giao phó, không có ai có thể xóa bỏ được. Những cá nhân và các tổ chức phản động muốn xóa bỏ Điều 4 không chỉ đi ngược lại nguyện vọng của Nhân dân mà còn thực hiện ý đồ đen tối là thay đổi bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước, đảm bảo an ninh chính trị, tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Vì vậy, chúng ta cần nâng cao tinh thần cần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng thù địch như Nguyễn Văn Đài, nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển của đất nước.
(HPB)