NGÀNH TUYÊN GIÁO PHÚ YÊN QUYẾT TÂM CHUYỂN ĐỔI SỐ

Thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, từng bước nâng thứ hạng của tỉnh Phú Yên trên bảng xếp hạng đánh giá Chỉ số chuyển đổi số (DTI) hằng năm, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong toàn tỉnh. Đến năm 2030, Phú Yên trở thành địa phương thuộc nhóm trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số; xây dựng thành công chính quyền số; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân. (Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)

Những kết quả bước đầu

Xác định chuyển đổi số không chỉ mở ra không gian tăng trưởng mới, tạo động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế mà sức nóng của số hóa sẽ lan tỏa đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội và ngành Tuyên giáo không thể đứng ngoài cuộc, trong những năm vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên đã xác định việc nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy triển khai ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ban. Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, ngành Tuyên giáo tỉnh xác định phải tiên phong trong tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng cũng không thể chậm trễ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định các mục tiêu hệ sinh thái số ngành Tuyên giáo cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ động quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức toàn ngành về vai trò, tầm quan trọng, xu thế tất yếu của chuyển đổi số đối với công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong công tác chuyên môn là giải pháp quan trọng đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, là công cụ tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong nội bộ Ban, nội bộ ngành Tuyên giáo, với các cơ quan, đơn vị trong khối Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội. Gắn thực hiện chuyển đổi số của ngành với xây dựng xã hội số, xây dựng hệ sinh thái số trong ngành Tuyên giáo. Trước hết, tập trung vận động cán bộ công chức trang bị phương tiện số, đến nay 100% cán bộ công chức, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận các cấp trong tỉnh đã có điện thoại thông minh; bên cạnh đó quan tâm chủ động quán triệt thực hiện nghiêm việc khai thác, phổ biến, lưu trữ tài liệu tuyên truyền trên mạng internet và các ứng dụng công nghệ số. Thực hiện các chương trình, quy định của Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Đảng, Ban đã nghiên cứu đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng các ứng dụng trực tuyến, đưa các tài liệu, văn bản không “Mật” lên mạng internet, tuân thủ các nguyên tắc bảo mật theo quy định. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo từng bước đầu tư đường truyền phục vụ hội nghị trực tuyến từ cấp tỉnh đến các huyện, thị, thành phố và đang từng bước đầu tư kết nối đến cấp xã. Việc kết nối thông tuyến đường truyền trực tuyến đã tạo thuận lợi rất lớn cho công tác của ngành, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19.

Thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, xác định tuyên truyền và đấu tranh trên không gian mạng là lĩnh vực trọng tâm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập trung phát triển lực lượng. Đến nay, cả tỉnh có nhiều trang facebook, fanpage, Youtube… của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, có hàng trăm nhóm (group) thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, chia sẻ thông tin tích cực, tham gia định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Từng bước triển khai chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp UBND tỉnh tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai sắp xếp, đổi mới hoạt động các cơ quan báo chí địa phương theo hướng tinh gọn, hiện đại, tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn online, chuyển tải thông tin chủ yếu trên nền tảng internet. Thực hiện định hướng đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương từng bước chuyển đổi mạnh mẽ từ báo truyền thống sang báo điện tử; ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông, thay đổi cách tiếp cận hướng đến đối tượng độc giả, khán thính giả là cư dân mạng.

Quyết tâm, quyết liệt chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo

Phát huy những kết quả đã đạt được, quán triệt thực hiện nghiêm túc hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên tiếp tục nghiên cứu triển khai một số giải pháp chuyển đổi số:

Thư nhất, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghiêm túc kịp thời có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 21/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu, yêu cầu của “công dân số” trong ngành Tuyên giáo để xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của Ngành với lộ trình và giải pháp phù hợp. Xác định chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo của tỉnh thực hiện ở 3 cấp độ: số hóa, khai thác cơ hội số (chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên dùng) và chuyển đổi số toàn diện, tổng thể, đồng bộ trong mọi hoạt động. Định hình hệ sinh thái số trong ngành Tuyên giáo dựa trên 3 trụ cột: trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số; chuyển hầu hết các hoạt động chuyên môn lên không gian số.

Thứ ba, tập trung rà soát, thực hiện “số hóa” tất cả các văn bản, dữ liệu, tài liệu, sắp xếp ngăn nắp các tệp trong kho tài liệu số để thuận lợi trong khai thác, sử dụng chung. Đa dạng hóa hình thức khai thác, phổ biến, lưu trữ tài liệu tuyên truyền trên mạng internet, iCloud và các ứng dụng công nghệ số xây dựng các phần mềm bài thu hoạch bằng hình thức online, sau khi học tập, nghiên cứu các nghị quyết, văn bản của Đảng, cập nhật lý luận, kiến thức mới, sinh hoạt chính trị hè cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…

Thứ tư, phối hợp các ngành chức năng triển khai các giải pháp đưa các hoạt động có liên quan đến hoạt động khoa giáo dựa trên các ứng dụng công nghệ số như y tế, giáo dục, môi trường… đưa các ấn phẩm lịch sử Đảng lên hạ tầng kỹ thuật số. Tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ các cấp trong tỉnh trên các trang mạng xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, tiếp tục định hình và xây dựng văn hóa số gắn với văn hóa công sở tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc.

Nguyễn Văn Sự – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.