NHÂN DANH PHẢN BIỆN ĐỂ CHỐNG PHÁ: HÀNH ĐỘNG CẦN PHẢI BỊ NGHIÊM TRỊ!
Mới đây, nhân việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trương Huy San (sinh năm 1961, trú tại Phường 14, Quận 3, TP.HCM) về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự, các tổ chức phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam đồng loạt đăng tải các bài viết ca ngợi, hòng “tẩy trắng” cho đối tượng này, trong đó có nhà đài RFA. Chỉ trong ngày 21/02, trên trang web của mình, RFA đăng tải 02 bài viết có tựa đề “Nhà báo Huy Đức sẽ ra toà vào ngày 27/2” và “Truy tố Huy Đức: Trả thù chính trị hay ngăn chặn phản biện?” trong đó sử dụng nhiều mỹ từ hòng “tẩy trắng” cho đối tượng này, đồng thời vu khống Việt Nam “trả thù chính trị” để “ngăn chặn mọi tiếng nói phản biện?”, cho rằng việc bắt giữ Trương Huy San là hình thức “chụp mũ nhằm tiêu diệt những tiếng nói khác biệt”…
Trương Huy San có phải là nhà báo?
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 cũng đã dành nguyên Chương II quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Tuy vậy, cần hiểu rằng không phải công dân nào cũng là nhà báo. Khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định rất rõ: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”.
Cần nói rõ, khi bị bắt Trương Huy San (tức Huy Đức) không phải là nhà báo. Dù đối tượng này trước đó đã từng công tác và cộng tác tại nhiều cơ quan báo chí nhưng do viết bài không trung thực, bóp méo sự thật và một số lý do khác nên Trương Huy San đã bị các cơ quan báo chí buộc thôi việc, thu hồi thẻ cộng tác viên trước khi bị tước thẻ nhà báo. Cay cú, trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, Trương Huy San đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng trên Facebook cá nhân “Truong Huy San (Osin Huy Duc)” nhiều bài viết, trong đó có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các bài viết này có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đánh hơi thấy con mồi, bằng thủ đoạn hô biến Trương Huy San thành “nhà báo cấp tiến”, “nhà báo yêu nước có tâm, có tầm”, là một chiến sĩ đấu tranh cho “tự do báo chí”, “dân chủ”…, các thế lực thù địch cố tình kích động, cổ súy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị, đánh lừa dư luận, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng phục vụ cho mục đích xấu xa của chúng.
Kẻ nhân danh phản biện để chống phá cần phải bị nghiêm trị!
Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Ở Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Với những chứng cứ hết sức rõ ràng, Trương Huy San đã bị cơ quan chức năng truy tố, xét xử lý theo đúng quy định pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế. 30 tháng tù là mức án thích đáng dành cho kẻ lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như Trương Huy San.
Việc RFA và các tổ chức phản động, thiếu thiện chí cho rằng xã hội dân sự Việt Nam bị “bóp nghẹt”, truy tố Trương Huy San là “trả thù chính trị” hay là để “ngăn chặn mọi tiếng nói phản biện”… và đòi hỏi Việt Nam phải trả tự do cho đối tượng này chỉ càng làm rõ thêm bản chất vô lý, rởm đời của những tổ chức này mà thôi.
H.X