Nhận diện và kiên quyết đấu tranh với luận điệu xuyên tạc chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta

Hòa hợp dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta nhằm xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên tinh thần cởi mở, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Tuy nhiên, sau 48 năm đất nước thống nhất, vẫn còn một bộ phận cố chấp ôm hận, hằn học, khơi sâu thêm vết thương của quá khứ với mưu đồ chống phá chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Cố chấp ôm hận, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc

Mỗi dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 hằng năm là lúc mỗi người mang trong mình dòng máu Việt ở khắp nơi vui mừng trong độc lập, tự do; phấn khởi với những thành tựu phát triển của đất nước. Và càng vui hơn khi mỗi năm lại có thêm những kết quả tốt đẹp trong tiến trình hòa hợp dân tộc. Ngược lại, đây cũng là cơ hội để các thế lực thù địch tung các chiêu bài, thủ đoạn chống phá chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, cố tình đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc. Dễ nhận thấy nhất là việc kêu gọi tổ chức tưởng niệm “ngày quốc hận”, “tháng Tư đen”, tán phát trên mạng xã hội nhiều bài viết, hình ảnh với nội dung kích động, nuôi dưỡng hận thù, chống phá Đảng, Nhà nước. Chưa dừng lại ở đó, dưới sự tài trợ, giật dây của các tổ chức phản động hải ngoại, nhất là tổ chức khủng bố Việt Tân, một số người, hội, nhóm tổ chức rải truyền đơn, tụ tập biểu tình, phá hoại ở một số nơi trên đất nước ta nhân dịp Lễ 30/4 và đã bị cơ quan chức năng ngăn chặn.

Thủ đoạn khác thường thấy là xuyên tạc, bóp méo lịch sử, như: đổ lỗi cho chúng ta không chấp hành nghiêm điều khoản về hòa hợp, hòa giải dân tộc trong Hiệp định Paris 1973; bôi nhọ ý nghĩa lịch sử của ngày toàn thắng 30/4/1975; phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, v.v. Họ cố tình ngụy biện cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với đất nước ta là một cuộc nội chiến rồi so sánh vấn đề hòa hợp dân tộc của nước ta với việc xử lý vấn đề hòa hợp dân tộc của nước Mỹ sau nội chiến, hay người Đức hàn gắn vấn đề dân tộc sau khi bức tường Berlin sụp đổ,… từ đó ra sức chê bai, phê phán tiến trình hòa hợp dân tộc của đất nước. Họ bất chấp sự thật lịch sử rằng nguyên nhân chia cắt đất nước, lòng người ly tán bắt nguồn từ chính sách chia để trị của thực dân Pháp và trực tiếp là chính sách thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ với việc xây dựng chính quyền tay sai, bù nhìn thực hiện mưu đồ xâm lược nước ta. Họ cố tình lờ đi một thực tế là chính quyền Việt Nam cộng hòa chỉ là con rối trong vở kịch về “lý tưởng dân chủ, tự do” do “ông chủ” Mỹ đạo diễn; là con tốt thí trong bàn cờ chính trị của chính quyền Mỹ. Họ không dám đối diện với sự thật rằng mình là người ngộ nhận chiến đấu cho chính nghĩa quốc gia, cho “lý tưởng dân chủ, tự do” kiểu Mỹ mà đã phản bội lại Tổ quốc. Càng nguy hiểm hơn khi những việc làm ấy của họ khiến đồng bào ta ở hải ngoại, nhất là thế hệ Việt kiều trẻ, du học sinh nhìn nhận lệch lạc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, nhận thức sai lầm về tình hình đất nước, tiêm nhiễm tư tưởng hận thù, kích động chia rẽ, khoét sâu những bất đồng, dẫn đến kỳ thị, định kiến với Đảng, Nhà nước ta.

Chiến tranh đã lùi xa, lịch sử đã được khép lại, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được quốc tế đánh giá cao, nhưng vì sao một số người vẫn giữ định kiến, cố chấp ôm hận? Lý giải cho sự cố chấp ôm hận ấy không đơn thuần chỉ là do tính bảo thủ của cá nhân, hay dấu ấn lịch sử để lại mà đằng sau đó còn để thực hiện mưu đồ phản động, cơ hội chính trị, chống phá chế độ, phá hoại đất nước, đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc. Bằng chứng là họ cố tình “bẻ lái” vấn đề hòa hợp dân tộc thành chống phá Đảng, Nhà nước, đích đến của mọi luận điệu, thủ đoạn chống phá đều là đòi đa nguyên, đa đảng, lật đổ chế độ. Họ cố tình đánh tráo bản chất, lập luận vòng vo rằng hòa hợp dân tộc là hòa hợp giữa những người “bất đồng chính kiến”, những “nhà dân chủ” với chính quyền nước ta hiện nay; họ tự huyễn hoặc cho mình là đại diện cho lợi ích của đồng bào ta ở hải ngoại để đưa ra yêu sách phi lý. Họ phê phán chính sách hòa hợp dân tộc chỉ là “đãi bôi”, “con đường nửa vời” nếu còn chế độ cộng sản; từ đó, họ kêu gọi phải coi việc xóa bỏ chế độ cộng sản là một “mệnh lệnh của lương tâm, là tương lai của dân tộc”, v.v. Từ những đòi hỏi phi lý, như: không kỷ niệm chiến thắng 30/4, không dùng các cụm từ “cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, “giải phóng miền Nam”, “đế quốc Mỹ và tay sai”, “ngụy quân ngụy quyền”,… họ còn ảo tưởng đòi phải xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Thực tế là, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta, nhân dân ta từ vũng bùn nô lệ đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do; đất nước ta đang tiến những bước vững chắc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với những thành tựu to lớn trên mọi mặt của đời sống xã hội, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Vậy thì hỏi rằng, nếu vì dân, vì nước, thì hà cớ gì đòi đất nước phải bỏ Đảng, học đòi nền dân chủ kiểu phương Tây mới chịu hòa hợp dân tộc? Bài học mất chủ quyền, quyền tự quyết, bất ổn kéo dài của các nước Ả Rập, Afghanistan, Iraq,… khi “ngả” theo phương Tây và Mỹ chưa rõ ràng hay sao? Bản chất cơ hội chính trị của những kẻ cố chấp ôm hận đã lộ rõ với mưu đồ phản động ấy.

Đất nước đã “chủ động chìa tay” để hòa hợp

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã từng khẳng định: “… nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”1, “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.”2, “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”3. Đó chính là những điều thiêng liêng, vấn đề có tính nguyên tắc, bất khả xâm phạm, khẳng định chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, thống nhất và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Trong các văn kiện từ khi thành lập Đảng đến nay đều nhất quán điều thiêng liêng đó, được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và thực thi hiệu quả. Đồng thời, kế thừa truyền thống hòa hiếu, nhân ái, đoàn kết, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” của dân tộc, với tinh thần “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, Tổ quốc đã “chủ động chìa tay”, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về hòa hợp dân tộc, như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị  (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW, v.v. Trong đó, khẳng định rõ: người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội; lấy tình thân ái để cảm hóa những đồng bào lầm đường lạc lối. Nhà nước tích cực rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tháo gỡ vướng mắc về việc sở hữu các tài sản tại Việt Nam, cấp lại quốc tịch cho những người có đủ điều kiện; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, đầu tư, chuyển, nhận và sử dụng kiều hối,… tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam sinh sống, làm ăn, góp phần vào thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Cùng với đó là những hành động thiết thực để chủ động mở rộng tiếp xúc với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên trách về công tác người Việt ở nước ngoài luôn tích cực hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập với xã hội nước sở tại; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, hướng về Tổ quốc; hỗ trợ dạy và học tiếng Việt hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con theo truyền thống dân tộc và phù hợp với đặc thù, pháp luật của nước sở tại. Những năm gần đây, đã có thêm nhiều việc làm thiết thực, nhiều chương trình mang tính thực tế, như: Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển, đảo; dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, tổ chức đại lễ cầu siêu,… giúp nối vòng tay lớn với kiều bào, nhiều người trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức, có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước. Do khách quan, chủ quan mang tính lịch sử mà có thời điểm tiến trình hòa hợp dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có mặt còn hạn chế; nhưng xuyên suốt là hành trình không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước Việt Nam chăm lo giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc; kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây và phát triển đất nước.

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên đất nước ta kéo dài hơn 20 năm với biết bao đau thương, mất mát, khổ đau trong nhiều gia đình Việt Nam; có những vết thương lòng rất sâu nên sự hàn gắn không dễ dàng, đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Lấy lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập cho dân tộc, đất nước phát triển hùng cường làm mẫu số chung, Tổ quốc đã “chủ động chìa tay” để thúc đẩy hòa hợp, giang tay sẵn sàng đón nhận và tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người Việt Nam khắp nơi về thăm, đầu tư, đóng góp xây dựng đất nước. Hòa hợp dân tộc là ước vọng chính đáng của đại đa số người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài; là dòng chảy chủ đạo cuốn trôi những hận thù của quá khứ. Những ai còn cố chấp ôm hận, cản trở tiến trình hòa hợp dân tộc sẽ có tội với tương lai của chính con cháu mình.

ThS. PHAN NGỌC PHÚC/TCQPTD
____________________

1 – Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 11,  Nxb CTQG, H. 2011, tr. 264.

2 – Sđd, Tập 4, tr. 249.

3 – Sđd, Tập 11, tr. 280.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.