NỒI NÀO ÚP VUNG NẤY!

Hôm 08/3 mới đây, nhà đài VOA đăng tải bài viết “CSW phản đối việc Việt Nam liệt hai nhóm người Thượng là tổ chức khủng bố” cho rằng tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) lên tiếng phản đối việc chính quyền Việt Nam liệt “Nhóm hỗ trợ người Thượng (MSGI)” và “Người Thượng vì công lý (MSFJ) là 2 nhóm khủng bố cùng với hàng loạt lời vu cáo vô căn cứ, xuyên tạc về tình hình dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam của Mervyn Thomas – Chủ tịch sáng lập CSW, như: “Chính phủ Việt Nam là một nhà nước độc tài luôn lo sợ thế giới sẽ biết rõ bản chất thực sự của việc họ kiểm soát và đàn áp các tôn giáo và dân tộc thiểu số; và đây là một bằng chứng nữa cho thấy họ thiếu sự kiềm chế khi tham gia đàn áp xuyên quốc gia đối với các nhà hoạt động chỉ đơn giản là thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình”. Sự thật thế nào?

Thứ nhất, “Nhóm hỗ trợ người Thượng (MSGI)” và “Người Thượng vì công lý (MSFJ)” có phải là tổ chức tôn giáo hợp pháp?

Câu trả lời là không. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động với hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), khoảng 29.800 cơ sở thờ tự của các tôn giáo… Song, các nhóm này hoàn toàn không phải là tổ chức tôn giáo mà chỉ là tổ chức phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tập hợp lực lượng, tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, cụ thể: Tổ chức “Nhóm Hỗ trợ người Thượng” (MSGI) do các đối tượng Y Mut Mlô và Y Duen Bdăp (nguyên là thành viên tổ chức “Quỹ người Thượng – MFI” ở Mỹ) tuyên bố thành lập năm 2011. Tổ chức “Người Thượng vì công lý” (MSFJ) được thành lập vào năm 2019 bởi các đối tượng phản động: Y Phic Hdok (sinh sống tại Mỹ), Y Quynh Bdăp (sinh sống tại Thái Lan) cùng 15 đối tượng phản động, lưu vong khác. Hai tổ chức này hoạt động theo phương thức bạo động, chủ trương lôi kéo, tuyển mộ thành viên ở trong nước, chủ yếu là người dân tộc thiểu số để kích động biểu tình, bạo loạn vũ trang; tài trợ tiền, vũ khí, phương tiện, huấn luyện, chỉ đạo tiến hành tấn công khủng bố, giết hại cán bộ và người dân, phá hoại tài sản của Nhà nước và nhân dân, đòi li khai, tự trị, thành lập “Nhà nước Đêga” ở Tây Nguyên, điển hình là vụ việc khủng bố chống chính quyền nhân dân xảy ra vào rạng sáng 11/6/2023 tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Thứ hai, Việt Nam có đàn áp tôn giáo?

Câu trả lời là hoàn toàn không. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, quan tâm, tạo điều kiện và bảo đảm hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Song, đi đôi với đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp và công ước quốc tế. Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”.

Thứ ba, Việt Nam có đàn áp các dân tộc thiểu số?

Câu trả lời vẫn là không. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, có 53 dân tộc thiểu số với trên 14 triệu người (chiếm gần 15% tổng dân số), cư trú đan xen nhau, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Xuyên suốt lịch sử, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã đoàn kết cùng nhau xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ. Điều này được quy định rõ ràng, cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Việt Nam cũng đã tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982 và đến nay đã 5 lần bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực hiện Công ước CERD. Thực tế qua gần 40 năm đổi mới càng chứng minh ở Việt Nam quyền của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số luôn được bảo đảm, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam được cải thiện trên nhiều mặt, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm đối với đất nước. Hiện nay, theo thống kê, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 và 97 luật, bộ luật có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc. Đáng chú ý là bên cạnh tiếp tục thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Việt Nam đã ban hành, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025, với 10 dự án thành phần. Đây là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân tộc.

Việc các thế lực thù địch càng ra sức cổ súy, chống lưng cho các tổ chức “Nhóm hỗ trợ người Thượng” và “Người Thượng vì công lý”, vu khống Việt Nam đàn áp tôn giáo, dân tộc thiểu số mới thấy đúng là “nồi nào úp vung nấy”!

(Hòa Xuân)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *