PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang chuyển hướng tấn công vào hoạt động của tổ chức công đoàn các cấp. Chúng xuyên tạc trắng trợn rằng, công đoàn hiện nay không còn phát huy vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động; hoạt động của tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ mang tính hình thức, không dám đấu tranh với lãnh đạo doanh nghiệp, với ông chủ; họ cũng chỉ là người làm thuê và chịu sự quản lý của người sử dụng lao động và thậm chí, có thể bị sa thải nếu làm trái ý chủ doanh nghiệp… Đây là những luận điệu xuyên tạc nguy hiểm nhằm phủ nhận vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam.

Như chúng ta đã biết Công đoàn có vai trò là trường học đấu tranh giai cấp, Công đoàn vận động, tổ chức công nhân, lao động đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, bảo vệ quyền, lợi của công nhân, lao động. Trước đây, cuộc đấu tranh của Công đoàn, từ đấu tranh kinh tế sang đấu tranh chính trị với mục đích lật đổ giai cấp thống trị xoá bỏ chế độ người bóc lột người, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân. Ngày nay, trong điều kiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của Công đoàn Việt Nam ngày càng được khẳng định. Hiến pháp nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi rõ: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động. Cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động khác, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Thời gian qua, tổ chức công đoàn luôn đóng vai trò là điểm tựa, động viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp, khuyến khích người lao động hăng say lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, tổ chức công đoàn giúp cho công nhân hiểu biết về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất và công tác; thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà, lao động sáng tạo; đồng thời, tuyên truyền trong công nhân, người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nghiên cứu, giải quyết; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, về tổ chức công đoàn trong công nhân, viên chức, người lao động và người sử dụng lao động thuộc các thành phần kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài…

Để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với tổ chức công đoàn, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau: 

Thứ nhất, các cấp công đoàn cần phát huy vai trò gương mẫu, tích cực, chủ động phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đoàn viên, giúp họ trở thành những cán bộ có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng, đi đầu trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua các phong trào thi đua “Xây dựng văn hóa công sở”; “mỗi đoàn viên một sáng kiến”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí…. tích cực tham gia học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; gắn việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn, nhằm tăng cường hiểu biết, nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, đoàn viên để đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên tham gia vào hoạt động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần chỉ rõ cho đoàn viên thấy được những thành tựu trong công cuộc xây dựng đất nước trong những năm qua, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân kết quả và bài học kinh nghiệm, cũng như những hạn chế, tồn tại của đất nước, những yêu cầu, nhiệm vụ mới của công cuộc đổi mới đất nước hiện nay… để giúp cán bộ, đoàn viên nhận diện, phân biệt được cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, tìm ra nguyên nhân có quan điểm, thái độ dứt khoát với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những thông tin phản ánh sai sự thật, không đúng với bản chất của Đảng. Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, kết hợp giữa “xây và chống” trong đó lấy “xây” làm chính, những thông tin tốt là luồng chủ đạo.

Ba là, các cấp Công đoàn cần thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ, đoàn viên để cung cấp thông tin, định hướng nội dung đấu tranh; xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp đấu tranh cho các bộ phận, lực lượng hợp lý, khoa học, phát huy được sức mạnh của các tổ chức công đoàn. Thông qua tổ chức những hoạt động hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, cán bộ, đoàn viên phải là lực lượng chủ lực trực tiếp tham gia những hoạt động đấu tranh, phản bác. Qua đó, thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên quyết bác bỏ, vạch trần bản chất sai trái, phản động của các thế lực phản động muốn dựng lên những câu chuyện, thông tin bịa đặt gây nhiễm loạn, hoang mang trong dư luận xã hội để phục vụ cho mưu đồ chính trị đen tối của chúng là gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bốn là, mỗi cán bộ, đoàn viên phải luôn giữ gìn đoàn kết; giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thường xuyên chuyển tải những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng thời phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch. Tiếp tục tự học để tích lũy các kiến thức cần thiết cho bản thân góp phần nâng cao sức đề kháng trước những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, thù địch, khắc phục tình trạng chủ quan, bị động, mơ hồ mất cảnh giác.

Năm là, thực hiện tốt chức năng, nhiệm của tổ chức công đoàn, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động, bảo đảm việc thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn là yêu cầu quan trọng trong tình hình hiện nay nhằm nâng cao đời sống của đoàn viên. Phối hợp với thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cùng với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống, việc làm cho cán bộ, đoàn viên; tổ chức cho cán bộ, đoàn viên tham gia hoạt động xã hội, từ thiện…

Tiều Phu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *