Không có tự do “vô thiên vô pháp”!

Trong những năm qua, các tổ chức thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam (như RSF, RFA, VOA, Việt Tân…) không ngừng sử dụng chiêu trò xuyên tạc, bôi nhọ tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam. Những luận điệu quen thuộc mà các tổ chức này thường xuyên sử dụng để vu khống Việt Nam là: Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí; ở Việt Nam báo chí không được hoạt động đúng chức năng của nó vì bị kiểm duyệt gắt gao; chính quyền Việt Nam bóp nghẹt quyền tự do báo chí, bắt bớ, đàn áp những tiếng nói “bất đồng chính kiến”; Việt Nam là “nhà tù lớn nhất trên thế giới dành cho các nhà báo và blogger”… Thực tế thì sao?

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm thực thi trên thực tế quyền tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói riêng và cụ thể hoá bằng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và đặc thù quốc gia. Cụ thể, Điều 25 Hiến pháp khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tiếp đó, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các luật, bộ luật có liên quan cũng đã quy định rõ về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí. Theo đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng… Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có 779 cơ quan báo chí, 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh, truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình; mạng di động phủ sóng gần 100% dân số, mạng 3G và 4G phục vụ trên 98% dân số; hơn 64 triệu dân Việt Nam đang sử dụng internet, trong đó có hơn 62 triệu người sử dụng mạng xã hội. Thực hiện chức năng xã hội của mình, trong thời gian qua, báo chí đã thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa lành mạnh của nhân dân. Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội cao đối với các vấn đề thuộc các lĩnh vực, nhất là việc xây dựng, ban hành và thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Một số cơ quan báo, đài còn thực hiện các chương trình, ấn phẩm bằng các tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ bà con các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa; thực hiện sản xuất các tin, bài trực tiếp bằng tiếng nước ngoài hoặc phụ đề ngoại ngữ để giúp thông tin tuyên truyền lan tỏa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng quốc tế…

Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”; Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) cũng quy định rất cụ thể rằng: 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”.

Như vậy, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, hoàn toàn không có cái gọi là tự do “vô thiên vô pháp”! Mọi quyền tự do đều được thực hiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự do của tổ chức, cá nhân khác và bảo đảm không làm ảnh hưởng, tổn hại đến an ninh, lợi ích quốc gia…; trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia. Việt Nam cũng như bất cứ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Cùng với việc đảm bảo ngày càng tốt hơn về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, việc Nhà nước Việt Nam kiên quyết trừng trị những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc, bôi nhọ, thực hiện các hành vi gây mất an ninh chính trị, đe dọa, xâm hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc (mà các tổ chức thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam gán cho những cái tên mỹ miều, mị dân như “tù nhân lương tâm”, “nhà bất đồng chính kiến”…) là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Việc các tổ chức, cá nhân cố tình xuyên tạc bóp méo sự thật và cho rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và là “nhà tù lớn nhất trên thế giới dành cho các nhà báo và blogger” là xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, bao che, dung túng cho những phần tử chống đối thực hiện các hành vi sai trái. Đây là hành động hết sức nguy hiểm, cần phải bị đấu tranh, vạch trần và loại bỏ!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.