QUY ĐỊNH VỀ LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM: CÓ GÌ ĐỂ XUYÊN TẠC?

Hôm 02/02 mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội với nhiều điểm mới phù hợp với nguyện vọng của đại đa số đảng viên và nhân dân nên nhận được rất nhiều ý kiến tán đồng, hoan nghênh. Tuy nhiên, như thường lệ, các phần tử cơ hội chính trị, phản động lại ra sức xuyên tạc quy định mới này. Chúng rêu rao nào là việc lấy phiếu tín nhiệm là “hình thức”, nào là việc bỏ phiếu tín nhiệm “không đáng tin khi chỉ có đảng viên bỏ phiếu mà không có sự tham gia của người dân”… Vậy sự thật thì sao?

Thứ nhất, việc lấy phiếu tín nhiệm có phải là chỉ có đảng viên tham gia mà không có sự tham gia của người dân?
Câu trả lời là: Không. Với Quy định số 96-QĐ/TW, quy mô việc lấy phiếu tín nhiệm đã mở rộng trong toàn hệ thống chính trị các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận đoàn thể, từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Với các cơ quan được nhân dân bầu trực tiếp như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh bầu hoặc phê chuẩn tại đây do các đại biểu là người đại diện, thay mặt nhân dân thực hiện. Các đại biểu này phải thường xuyên gắn bó với nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Như vậy, thông qua các đại biểu này, nhân dân thể hiện được ý chí, nguyện vọng của bản thân, thể hiện được mức độ tin tưởng, tín nhiệm của mình đối các đại biểu được đề nghị lấy phiếu tín nhiệm.
Thứ hai, việc lấy phiếu tín nhiệm có phải là chỉ hình thức?
Câu trả lời vẫn là: Không. Việc lấy phiếu tín nhiệm hoàn toàn không phải là “hình thức” mà theo quy định mới: “Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”. Đây chính là bước tiếp tục cụ thể hóa Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận số 20-KL/TW, ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cũng là để ghi nhận, đánh giá những người được phiếu tín nhiệm cao, đồng thời với những cán bộ hiện công việc được giao chưa thật tốt, phiếu tín nhiệm không cao có điều kiện suy ngẫm để tự soi, tự sửa.
Như vậy, có thể thấy, Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được Bộ Chính trị quy định rất rõ ràng, chi tiết, cụ thể, chẳng có gì để xuyên tạc song các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vẫn ra sức xuyên tạc, bóp méo Quy định là hành vi không thể chấp nhận được. Chúng ta cần hết sức cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với các luận điệu sai trái này!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.