RFA LẠI XUYÊN TẠC VỀ QUỐC HIỆU VÀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM
Trong những ngày vừa qua, khi Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị và nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, một số đối tượng thù địch, phản động đã lợi dụng cơ hội này để tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng. Trong số đó, một bài viết có tựa đề “Việt Nam đã đến ‘điểm tới hạn’ cho cuộc cải cách lớn” được đăng trên trang mạng của Đài Á châu tự do (RFA). Nội dung bài viết đã đưa ra những lập luận không chính xác, cho rằng cần thay đổi quốc hiệu Việt Nam thành “Cộng hòa Việt Nam”. Bài viết này không chỉ mang tính chất bịa đặt mà còn nhằm hướng lái dư luận, kêu gọi thay đổi thể chế chính trị của nước ta.
Trước hết, quốc hiệu của mỗi quốc gia phản ánh giá trị lịch sử, văn hóa và chính trị của dân tộc đó. Tại Việt Nam, quốc hiệu không chỉ là biểu tượng mà còn là kết tinh ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, được Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất quyết định. Từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ra đời và tồn tại đến năm 1976. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Quốc hội đã quyết định đổi thành “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để phản ánh đúng thể chế chính trị và con đường phát triển của dân tộc. Đây là quyết định phù hợp với thực tiễn lịch sử và mục tiêu lâu dài của đất nước.
Những luận điệu kêu gọi thay đổi quốc hiệu thực chất là một âm mưu nhằm thúc đẩy các tư tưởng đi ngược lại với con đường phát triển hiện tại của Việt Nam, phủ nhận những thành tựu mà cách mạng đã đạt được, hướng đến mô hình chính trị đa nguyên, đa đảng. Điều này có thể gây bất ổn xã hội và tạo điều kiện cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước.
Ngoài ra, một số quan điểm trong bài viết còn cố tình đồng nhất cơ chế chính trị của Việt Nam với mô hình toàn trị, nhằm tạo ra sự nhầm lẫn trong nhận thức của quần chúng Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam kiên định thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, trong đó mọi chính sách, quyết định đều lấy lợi ích của Nhân dân làm trung tâm. Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến Hiến pháp 2013 luôn khẳng định quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của công dân.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Chính trị ổn định, kinh tế phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động trong khu vực, tham gia tích cực vào các tổ chức quốc tế, khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Những kết quả này là minh chứng rõ ràng nhất cho con đường mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.
Như vậy, các luận điệu xuyên tạc nhằm thay đổi quốc hiệu và thể chế chính trị của Việt Nam là không có cơ sở, mang động cơ phá hoại sự ổn định và phát triển của đất nước. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại các âm mưu thâm độc này của các thế lực thù địch.
(BBT)