Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch ở hệ thống chính trị cơ sở trong giai đoạn hiện nay

Hệ thống chính trị cơ sở là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, trực tiếp nắm bắt tình hình, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống xã hội. Đây là cấp gần dân nhất, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân nên là nơi trực tiếp tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở, đảm bảo an sinh của người dân và sự phát triển của cộng đồng. Thông qua hệ thống chính trị cấp cơ sở mà ý Đảng – lòng dân được thống nhất, tạo nên mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; làm cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ăn sâu, bám rễ vào đời sống của nhân dân; xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và với chế độ. Hệ thống chính trị cấp cơ sở vừa là hiện thân cho uy tín của Đảng với nhân dân, vừa là hiện thân cho niềm tin của nhân dân với Đảng và với chế độ.

Trong những năm qua, hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Yên, với 110 xã, phường, thị trấn (trong đó có 83 xã, 21 phường và 6 thị trấn) đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức thực hiện, phối hợp tham gia triển khai tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII). Quán triệt, triển khai kịp thời đầy đủ Nghị quyết số 35-NQ/TW, Kế hoạch số 111-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các kế hoạch, chương trình công tác của cấp ủy và ban chỉ đạo 35 các cấp; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều cán bộ, đảng viên cơ sở đã tham gia tích cực có hiệu quả việc đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên không gian mạng… Tuy nhiên, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị –  xã hội ở cơ sở về vị trí, vai trò tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa cao dẫn đến chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ này; công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ mới, chưa bám sát thực tiễn, có lúc còn bị động, lúng túng; một số ít cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa có ý thức cảnh giác cao với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, chưa nhận thức được đầy đủ những âm mưu, thủ đoạn, chiêu bài chống phá của các phần tử cơ hội chính trị, thù địch, phản động.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Trong nước, trong tỉnh bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đặc biệt là những thành công nổi bật của đất nước, của địa phương qua 35 năm đổi mới và khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những địa bàn cơ sở, nhất là những vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, xa trung tâm, trình độ dân trí còn thấp, nhân dân thiếu thông tin chính thống để ra sức đưa các thông tin sai trái, có nội dung xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương. Mặt khác, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của nhân dân. Điều này đòi hỏi hệ thống chính trị cơ sở phải nhạy bén, thường xuyên nắm bắt dư luận xã hội, sâu sát với nhân dân để kịp thời tuyên truyền, định hướng cho họ những thông tin đúng đắn, có nội dung tích cực theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tránh để các thế lực có cơ hội lợi dụng nhân dân để tạo thành những điểm nóng, chống phá Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình tư tưởng của nhân dân, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, khúc mắc của nhân dân; định hướng cho nhân dân những thông tin tích cực; hỗ trợ nhân dân trong lúc khó khăn… để tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân nơi cơ sở, tránh để các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị có cơ hội chống phá chính quyền, lôi kéo và kích động nhân dân.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu tất yếu, khách quan là cần phải có những giải pháp sát thực, khả thi để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại cơ sở. Một số nội dung cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, quán triệt triển khai hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Trước hết, các tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quán triệt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đến các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn giúp cho mỗi người hiểu được đường lối, chủ trương của Đảng và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ngoài ra, các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở còn tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách thuận lợi, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo đề ra và thực hiện các chủ trương, biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Căn cứ vào những yêu cầu thực tiễn đặt ra, các tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở ban hành các nghị quyết, các chủ trương, biện pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trên cơ sở đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài ra, hệ thống chính trị cơ sở có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chủ tương, biện pháp thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều cần lưu ý là việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này gắn liền với nhiệm vụ chính trị và phải được tích hợp trong mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thứ ba, xây dựng, tổ chức lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tùy theo đặc điểm, tình hình, các thành viên của hệ thống chính trị cơ sở còn có vai trò xây dựng các lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; vận động và tập hợp đông đảo quần chúng tham gia; đồng thời đề ra các phương án, cách thức tổ chức phù hợp để phát huy vai trò của từng lực lượng; huy động cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật, nhân lực… tham gia nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tưởng của Đảng.

Thứ tư, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại cơ sở. Vận động, tổ chức để nhân dân bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy vai trò của những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng tại thôn, buôn, khu phố, xã, phường, thị trấn như các cựu chiến binh, các cán bộ phụ nữ, thanh niên, già làng, trưởng thôn, buôn, khu phố … Ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, tập trung đông đồng bào có đạo, cần phải xây dựng lực lượng nòng cốt từ nhân dân để thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, ổn định tâm lý, tránh để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng để lôi kéo, mua chuộc, kích động. Với năng lực, trình độ và trách nhiệm, nhiều cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở có thể trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những hình thức khác nhau như viết tin bài, chia sẻ thông tin tích cực, tuyên truyền cho nhân dân nhận diện những thông tin có nội dung xấu độc… Từ đó, tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu để nhân dân làm theo, hưởng ứng chủ trương của Đảng, chính quyền cơ sở.

Thứ năm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tại cơ sở. Các cơ quan trong hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội chính là “tai mắt” của nhân dân, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của đảng, chính quyền, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị cơ sở cũng như của cán bộ, đảng viên và nhân nói chung. Qua việc kiểm tra, giám sát đó, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm của các cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ; tuyên dương, nhân rộng những cách làm hay, những mô hình sáng tạo, hiệu quả.

(NVS)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.