THỰC TẾ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM BÁC BỎ MỌI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC!

Với hệ thống pháp luật và các thiết chế về quyền con người đồng bộ, từng bước hoàn thiện, việc thực hiện quyền con người tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, các quyền con người đã được bảo đảm một cách chủ động trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Về mặt pháp lý, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân đồng thời, bổ sung nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình mới của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Tính nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Với các công ước quốc tế về quyền con người đã tham gia, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền.

Trên thực tế, bên cạnh về đích sớm nhất 5 trong tổng số 8 Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới xác định và thực hiện các chương trình liên quan đến mục tiêu giảm nghèo và cũng là nước đầu tiên trong khu vực thực hiện và đạt được những thành tựu vượt trước 10 năm so với mục tiêu thiên niên kỷ. Nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống còn 4,4% năm 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, đạt bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm. Bình quân toàn vùng giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5 – 6%/năm trở lên… Nguồn lực chi cho công tác giảm nghèo trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 lên tới trên 408.000 tỷ đồng. Trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu là 137.664,959 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tối thiểu là 196.332 tỷ đồng… Cùng với các quyền kinh tế, các quyền chính trị, dân sự, văn hoá và xã hội luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2023 được Liên hợp quốc công bố, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Số lượng nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay là 151 người, chiếm 30,26%, đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Từ năm học 2017 – 2018, đã có 22 tỉnh, thành phố (với 715 trường) tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số; 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; nhiều bộ sách giáo khoa được xuất bản bằng tiếng dân tộc… Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người dân Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn.Đến cuối năm 2022, Việt Nam có 818 cơ quan báo, tạp chí, truyền thông đa phương tiện, 72 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, cùng hàng trăm tạp chí điện tử, trang, cổng thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, đơn vị… Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và kênh truyền hình nước ngoài, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều báo, tạp chí quốc tế lớn khác.

Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030), Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ quan điểm phát triển: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. 

Những dẫn chứng trên cho thấy nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thực thi quyền con người, trực tiếp bác bỏ các quan điểm sai trái của các lực lượng thù địch phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua!

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.