THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM BÁC BỎ MỌI LUẬN ĐIỆU VU CÁO
Mới đây, nhà đài VOA đăng tải bài viết “Freedom House:Việt Nam vẫn ‘không có tự do’, chính quyền đàn áp xuyên quốc gia” trong đó có nhiều luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do, dân chủ ở Việt Nam. Theo nhà đài này, trong báo cáo mới nhất 2025, Tổ chức Freedom House tiếp tục liệt Việt Nam vào nhóm quốc gia “không có tự do”, với số điểm 20/100 và Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có thành tích kém nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, xếp sau cả Pakistan, Brunei và Campuchia. Và lý do được tổ chức này đưa ra là do “nhà nước độc đảng hạn chế cơ hội cho các đảng đối lập hoặc ứng cử viên tham gia tranh cử, và nhiều quyền chính trị bị đàn áp trên thực tế”, “Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và hoạt động xã hội dân sự bị hạn chế chặt chẽ. Chính quyền ngày càng đàn áp việc công dân sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và internet để lên tiếng bất đồng chính kiến và chia sẻ thông tin chưa kiểm duyệt”… Thực tế thì sao?
Thực tế là, Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quyền lực thuộc về nhân dân và Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm các quyền công dân, như: Quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của công dân… Những quyền này được thực hiện cụ thể qua các cơ chế như Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho nhân dân – và các cuộc bầu cử minh bạch. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV ngày 23/5/2021 ghi nhận tỷ lệ cử tri tham gia đạt 99,57%, vượt xa nhiều quốc gia được Freedom House xếp hạng “tự do” như Mỹ hay Pháp. Hàng vạn ý kiến cử tri được tiếp nhận trong năm 2024 để xây dựng các chính sách lớn như Luật Đất đai sửa đổi, cho thấy sự tham gia chính trị của người dân Việt Nam không chỉ là hình thức mà mang lại kết quả thực chất. Việc Freedom House cáo buộc Việt Nam “thiếu dân chủ” vì không có đa đảng, nhưng bỏ qua thực tế rằng mô hình dân chủ tập trung dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được tuyệt đại đa số người dân tin tưởng (với hơn 90% theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững 2023) – một mức độ đồng thuận mà nhiều quốc gia đa đảng khó đạt được – đã cho thấy bản chất xảo trá của tổ chức này.
Thực tế nữa là, mô hình dân chủ Việt Nam không chỉ được nhân dân đồng thuận mà còn mang lại những kết quả cụ thể trong bảo vệ quyền con người và phát triển xã hội. Tính đến hết năm 2024, Việt Nam có 884 cơ quan báo chí, gồm 812 báo, tạp chí và 72 đài phát thanh truyền hình với khoảng 41.000 nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó có khoảng 21.000 người được cấp thẻ nhà báo. Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng Internet với tỉ lệ tiếp cận Internet đạt 79,1%; có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số; có 168,5 triệu kết nối di động, tương đương với 169,8% tổng dân số.. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2024, được UNESCO ghi nhận… Những con số này nói lên điều gì nếu không phải là thực trạng tự do, dân chủ tại Việt Nam?
Một thực tế nữa là, Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025, được hơn 100 quốc gia đánh giá cao về cam kết thực thi quyền con người trong Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR). Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021, Việt Nam đã thể hiện năng lực lãnh đạo khu vực, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế, được các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU ghi nhận qua các tuyên bố chính thức. Những thành tựu kinh tế – xã hội cũng phản ánh hiệu quả của mô hình dân chủ Việt Nam: GDP bình quân đầu người tăng từ 100 USD năm 1990 lên hơn 4.300 USD năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 18,1% năm 2016 xuống 4,4% năm 2023 và hơn 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024 của Liên Hợp Quốc xếp Việt Nam ở vị trí 54/143 quốc gia với điểm số 6,043, tăng 11 bậc so với năm 2023…
Những con số thực tế trên cho thấy bức tranh sinh động về tình hình tự do, dân chủ, công bằng xã hội mà Việt Nam đạt được, cũng chính là những “cú tát trời giáng” vào những luận điệu xảo trá mà Freedom House cũng như những tổ chức thiếu thiện chí, phản động, thù địch với Việt Nam vẫn thường rêu rao hòng hạ thấp uy tín của Việt Nam!
(Hoà Xuân)