Tiên phong dẫn dắt, cố kết lòng người (Bài 2)

Vẫn với cách nghĩ, thái độ xem nhẹ công tác tư tưởng (CTTT) của Đảng và những nỗ lực, đóng góp, cống hiến, hy sinh của đội ngũ cán bộ tuyên giáo (CBTG), một số cán bộ đã có biểu hiện a dua, cổ xúy cho luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, quy chụp CBTG chỉ tung hô sáo ngữ, “nói nhiều, làm ít”, “nói giỏi, làm kém”… nên quần chúng không nghe, không tin. Số khác lại so bì, hoặc nói vống lên, rằng CBTG là đối tượng nặng hành chính công sở, chỉ “ngồi phòng lạnh, đút chân gầm bàn”, nhưng lại có quyền lực chính trị và lợi ích vật chất to lớn.

Ảnh minh họa

1. Đây là những nhận thức hoàn toàn lệch lạc, cũng có thể là sự cố tình trà trộn trắng đen của những cán bộ đã có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy mới chỉ ở dạng nhận thức nhưng tác hại của nó thì không thể lường hết; tác động tiêu cực đến hiệu quả CTTT và ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng, niềm tin, nhiệt huyết của đội ngũ CBTG. Tiếp cận từ thực tế, xin nêu lên những ví dụ cụ thể để tái hiện bức tranh chân thực nhất về công việc và đời sống thường nhật của những người làm công tác tuyên giáo (CTTG).

Vào những ngày đầu tháng 7-2020, sau 3 ngày nhận nhiệm vụ trên cương vị Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum, đồng chí Nguyễn Phúc Phận đã chủ động sắp xếp thời gian để về với người dân thôn Kon Gu 1 (Ngọc Wang, Đăk Hà)-một địa phương từng là “điểm nóng” về hoạt động của tà đạo Hà Mòn và hiện tại đời sống người dân còn vô vàn khó khăn, vất vả. Anh Phận đến từng nhà dân thăm hỏi, tìm hiểu điều kiện làm ăn, sinh sống của đồng bào. Tại nhà một hộ dân từng tham gia tà đạo Hà Mòn, anh Phận cùng CBTG huyện, xã… và người dân nâng chén rượu cần, nhấm nháp món măng rừng muối mặn chát trong không khí vui vẻ, chân tình. Cuối buổi hàn huyên, anh Phận chủ ý biếu nữ chủ nhà một ít tiền mặt, rồi ân cần: “Mong già giữ gìn sức khỏe, khuyên dạy con cháu tích cực lao động, chỉ dạy lũ nhỏ cố gắng học hành, thực hiện đúng các quy định của địa phương. Có dịp, anh em chúng tôi sẽ lại về thăm già!”. Giọng người phụ nữ đã lớn tuổi, gầy yếu chưa sõi tiếng phổ thông nói những lời cảm ơn khó nghe rõ đầu cuối, nhưng ai cũng cảm nhận được sự xúc động và những giọt nước mắt ứa ra nơi khóe mắt của già.

Cũng thời điểm ấy, chúng tôi có dịp tham gia đoàn công tác của đồng chí Lê Quang Thới, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum cùng một số cán bộ trong ban về với đồng bào xã Đăk Tơ Re (huyện Kon Rẫy) để nắm tình hình đời sống, dư luận trong nhân dân. Chứng kiến cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở của đồng chí cán bộ tỉnh và người dân, cách xưng hô, đối đáp với nhau bằng ngôn ngữ địa phương; những người lớn tuổi hồ hởi ôm chầm, siết chặt tay cán bộ… đủ cảm nhận tình cảm thân mật, tường hiểu lẫn nhau.

Theo đồng chí Chu Minh Hiền, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đăk Hà (Kon Tum), đội ngũ CBTG dù công tác ở cấp nào (Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn) đều có điểm chung trong ý nghĩ và hành động là phải thường xuyên về với dân. Điều đó được cụ thể hóa trong quy chế, nền nếp đi cơ sở. Bởi lẽ người làm CTTT, tuyên truyền, vận động mà không nắm được tư tưởng, tâm lý nhân dân thì làm sao có thể hoàn thành nhiệm vụ. Bởi thế, về với dân, đến với cơ sở là phần việc như “cơm bữa” của những người thực hiện chức năng, nhiệm vụ “nắm phần hồn” quần chúng.

Tất nhiên, trong hàng ngũ cán bộ của bất kỳ ngành nào, lĩnh vực nào cũng có người tốt và chưa tốt, thậm chí là kém, nhưng yêu cầu chung trong đổi mới phương thức làm việc, tác phong công tác cho cán bộ thuộc quyền của ngành tuyên giáo được Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Cán bộ cơ quan Trung ương, từ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trưởng ban tuyên giáo cấp ủy các cấp đều phải mẫu mực nêu gương trong thực hiện nền nếp, chế độ, quy chế đi cơ sở, tăng cường về với dân, gắn bó với dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của cơ sở và quần chúng nhân dân.

2. Nói về cái khó, cái khô và cái khổ của người làm CTTG, không ít lãnh đạo tỉnh ủy, thành ủy có chung nỗi băn khoăn, rằng: Nhiệm vụ của ngành tuyên giáo rất nhiều đầu việc, nội dung khó, quy mô rộng, cường độ cao, đòi hỏi gấp về tiến độ; trong khi, lực lượng của ngành theo biên chế lại tương đối mỏng, chất lượng chưa đồng đều. Bởi thế, bài toán “làm thế nào để biết được suy nghĩ của dân, hiểu được lòng dân” quả là hóc búa với toàn Đảng, hệ thống chính trị nói chung, ngành tuyên giáo nói riêng. Kể từ khi ngành tuyên giáo ra đời cho đến nay, từng cán bộ, đảng viên trong ngành đã tự nhận thức rõ nhiệm vụ bản thân. Bởi thế, ở cấp xã, phường, thôn, buôn…, CBTG phải chấp nhận nhiều vất vả trong công việc cũng như thiệt thòi về lợi ích vật chất. Với mức lương khá khiêm tốn, nhiều CBTG “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, vẫn toan lo, nặng gánh mưu sinh; nhưng kỳ lạ, bước chân của họ vẫn miệt mài, in dấu trên mọi đường làng, ngõ xóm, đến với từng nhà dân để tuyên truyền, vận động, đưa ánh sáng nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Có lẽ bởi cái khó vốn dĩ ấy mà trong nhiều năm trở lại đây, không khó để nhận ra một thực tế đáng trăn trở, rằng ở cấp cơ sở rất khó luân chuyển cán bộ từ chính quyền sang cơ quan đảng, nhất là chuyển về ngành tuyên giáo. Nhiều cán bộ chính quyền thẳng thắn giãi bày, phân tích rõ đặc thù CTTG đòi hỏi cán bộ phải có trình độ lý luận, có năng lực toàn diện vượt trội, trong khi đầu việc rất lớn, chế độ đãi ngộ có nơi, có thời điểm chưa tương xứng với đóng góp, cống hiến. Bởi thế, đã không ít lần lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ và động viên đội ngũ: Một trong những nhiệm vụ của CBTG là làm CTTT cho mọi người. Nhưng trong mỗi giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trước những thách thức mới, luôn có những áp lực tư tưởng không hề nhỏ đối với chính mình. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ làm CTTT cho chúng ta? Đương nhiên, câu trả lời là CBTG trước tiên phải tự làm tư tưởng tốt cho chính mình, có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Cha ông xưa từng răn dạy: “Tư tưởng không thông đeo bình tông cũng nặng”. Đó là một triết lý khoa học sâu sắc. Làm tư tưởng cho mình là vượt lên khó khăn vật chất, hướng tận cùng và lên trên hết nhiệt huyết cống hiến cho tập thể, cộng đồng, đất nước. Cùng với đó, cán bộ phải biết cách tự khắc phục những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong chính tư duy, tư tưởng từng người và của đồng nghiệp; chủ động, kịp thời, sáng tạo trong công việc; nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác; lăn lộn hơn nữa vào thực tiễn sinh động để tránh căn bệnh sáo ngữ, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền cái đã có, hoặc lý luận đơn thuần…

3. Nghị quyết Trung ương 5 khóa X nêu rõ: “CTTT của Đảng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính…”. Chính điều đó đặt ra yêu cầu rất cao về bản lĩnh chính trị và sự dũng cảm dấn thân của đội ngũ CBTG.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị từng đúc rút, bây giờ, khi mà đất nước im tiếng súng, vẫn còn đó một cuộc đối đầu ác liệt, không ngơi nghỉ trên lĩnh vực tư tưởng. Đó là việc kẻ thù dùng mọi thủ đoạn tinh vi, với dã tâm hạ bệ, làm mục ruỗng hoặc thay màu tư tưởng nền tảng của Đảng, làm cơ sở công phá vào thành quả và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bởi thế, “binh chủng tuyên giáo” phải là lực lượng tiên phong, trực tiếp đương đầu với kẻ thù. Thực tế cho thấy, có không ít CBTG khi viết bài đấu tranh, bóc trần, vạch rõ những quan điểm hiềm khích, chống phá của các thế lực thù địch đã không tránh khỏi những nguy cơ và hiểm họa ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bản thân và sự an toàn cho người thân. Không ít lần tài khoản cá nhân của CBTG bị đánh sập, thậm chí vợ con, người thân bị dọa dẫm, uy hiếp. Trong khi vũ khí, phương tiện bảo vệ họ chỉ có hệ tư tưởng khoa học cách mạng và lòng dũng cảm, cùng bầu nhiệt huyết cách mạng lớn lao. Thế nhưng, vượt lên tất cả, hàng ngũ CBTG luôn vững chãi, chắc chắn, kết thành vũ khí sắc bén của Đảng, đấu tranh trực diện và hiệu quả, góp phần quyết định vào thành quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.

Không phải ai cũng có thể hình dung, ở những nơi xảy ra điểm nóng; ở cả trước, trong và sau những cuộc tập trung đông người, gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…, CBTG là những người luôn có mặt trước nhất, ở nơi nguy hiểm và nóng nhất, để nhận diện kẻ cầm đầu, cảm hóa đối tượng, vận động quần chúng; nắm bắt tư tưởng, tâm lý đám đông phục vụ công tác tham mưu và chỉ đạo giải quyết. Qua khảo sát cho thấy, kết quả giải quyết các sự việc diễn ra ở Tây Nguyên vào các năm 2001, 2004, 2008, các sự vụ diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2019… đều có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ CBTG và cộng tác viên tuyên giáo trong tuyên truyền, vận động, ổn định tình hình và giúp dân trở lại cuộc sống bình yên vốn có.

Ngay cả trong sinh hoạt thường nhật, mỗi chiếc smartphone trên tay người CBTG cũng trở thành những vũ khí đấu tranh tư tưởng lợi hại. Tiện ích của công nghệ giúp CBTG thuận lợi hơn trong công tác tổng hợp tư tưởng quần chúng, dư luận xã hội qua các nhóm Zalo, Viber, Facebook… chỉ đạo, vận hành, viết và duyệt các trang mạng xã hội đấu tranh với thế lực thù địch chống phá. Nơi nào, lúc nào, thậm chí cả đêm khuya, rạng sáng, những CBTG vẫn làm việc miệt mài-những đầu việc không tên nhưng có ý nghĩa to lớn trong cuộc đối đầu không nghỉ trên lĩnh vực tư tưởng giữa ta và địch, giữa cán bộ tốt và những cá nhân rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…

Hình ảnh và những câu chuyện đời thường của đội ngũ CBTG hôm nay nhắc nhớ chúng ta thêm trân quý về những đóng góp của các thế hệ CBTG của Đảng qua nhiều thời kỳ cách mạng. Đó là những cán bộ quả cảm, vượt qua “mưa bom bão đạn” đến với các chiến trường ác liệt để mang ánh sáng của Đảng đến với cán bộ, chiến sĩ; về với những miền quê nghèo khó, xa xôi để khai hóa nhận thức, bồi dưỡng lý tưởng và niềm tin cách mạng cho quần chúng nhân dân. Những người dẫu phải mang xiềng xích và chịu đựng nhục hình tra tấn, vẫn một dạ kiên trung, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng, truyền dạy Chủ nghĩa Mác-Lênin và hệ tư tưởng cộng sản ở những nơi khắc nghiệt tận cùng, những tưởng sẽ không thể. Đó còn là những CBTG sẵn sàng hy sinh, can đảm bịt nòng súng quân thù để bảo vệ lý tưởng cách mạng cao đẹp, vẻ vang.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 90 năm qua, những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là thắng lợi của sự tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Thành công của cách mạng Việt Nam với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị luôn gắn liền với đóng góp thiết thực, hiệu quả của đội ngũ CBTG các cấp qua mọi giai đoạn của cách mạng. Đó là một chân lý hiển nhiên không thể chối cãi, phủ nhận!

QĐND (còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.