TÌNH HÌNH TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA VIỆT NAM CẦN PHẢI ĐƯỢC NHÌN NHẬN ĐÚNG!

Trong những năm qua, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những “mảnh đất màu mỡ” thường xuyên bị thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bất chấp thực tế là những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi, các cá nhân, tổ chức phản động, nhà đài thiếu thiện chí với Việt Nam như Việt Tân, RFA, RFI, VOA…cố tình bôi đen bức tranh tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo… Những luận điệu trên không có gì mới mẻ song lại rất nguy hiểm. Bằng chứng là mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo “đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo” cũng chính là dựa trên những đánh giá thiếu khách quan cũng như thông tin không chính xác về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam của những tổ chức, cá nhân này. Vậy thực tế thì sao?

Thực tế là, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 95% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội. Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động, hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, khoảng 29.800 cơ sở thờ tự của các tôn giáo… Thực tế ở nước ta, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra sôi nổi, đa dạng và phong phú. Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng… Có được những kết quả trên là bởi chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Điều 24 Hiến pháp ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo và các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện và bảo đảm hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Một điểm cần phải hết sức lưu ý là ở Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới, tôn giáo và hoạt động tôn giáo phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật. Điều này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp và công ước quốc tế. Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Do đó, đi đôi với đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người, thời gian qua, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc các thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí vẫn luôn tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc về tình hình, đời sống tôn giáo ở nước ta hòng tạo sự hoài nghi, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc là hành vi hết sức sai trái, cần phải bị lên án, vạch trần!

H.X.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.