Việt Nam có chiến lược thông minh và can đảm để đấu tranh với những hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc

Đó là lời nhận xét của Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, bình luận trên tạp chí Forbes ngày 17/8 về chiến lược đấu tranh của Việt Nam với những hành động mang tính chất “ngạo mạn” của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Vị Giáo sư này cho rằng Việt Nam đã đứng lên đấu tranh với hành vi của Trung Quốc “theo cách can đảm và khôn khéo”.

Sự can đảm – theo ông Mourdoukoutas – thể hiện ở nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực hoàn thiện một hiệp ước (chỉ Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC)-PV), trong đó sẽ xác định rõ những hành vi như Trung Quốc đang tiến hành hiện nay là trái phép, bao gồm việc xây dựng đảo nhân tạo, phong tỏa các vùng nước, hay triển khai các khí tài tấn công như tên lửa. Sự dũng cảm của Việt Nam còn được ghi nhận ở các lực lượng chức năng của Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Mourdoukoutas nhận định, Việt Nam có một chiến lược thông minh để ngăn chặn âm mưu bành trướng trên biển của Bắc Kinh, đó là hợp tác với hãng dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga. Sự hiện diện của Nga có thể xem là một nhân tố “thay đổi cuộc chơi”, khiến Trung Quốc không thể hoành hành với yêu sách “Đường chín đoạn” phi lý hay đối đầu với hải quân Nga – lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích Nga trong khu vực. “Cả hai chiến lược của Việt Nam đều hiệu quả,” giáo sư Mourdoukoutas đánh giá.

Thời gian qua, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt đông mang tính chất khiêu khích, bất chấp luật pháp quốc tế trên Biển Đông được dư luận quần chúng rất quan tâm, họ dõi theo từng thông tin về diễn biến trên thực địa cũng như chiến lược của Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trước diễn biến của sự việc, trên thực địa các lực lượng chấp pháp của Việt Nam kiên quyết sử dụng các hành động hòa bình để kêu gọi Trung Quốc ngưng thực hiện các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Trên mặt trận ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối các hành vi của phía Trung Quốc, giao thiệp ngoại giao, trao công hàm phản đối hành vi của Trung Quốc đến đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Trên trường quốc tế, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thẳng thắn “điểm mặt chỉ tên” Trung Quốc về các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Có thể nhận thấy, không chỉ các học giả nghiên cứu về vấn đề Biển Đông, nghiên cứu về âm mưu của Trung Quốc mà chắc hẳn rất nhiều người dân Việt Nam cũng đánh giá chiến lược đối phó với Trung Quốc là một chiến lược “khôn ngoan”. Bởi lẽ có thể thấy, mùa bão hàng năm ở biển Đông đang tới, các tàu khảo sát của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sớm được rút về, nhưng mưu đồ bành trướng của nước này thì vẫn còn hiện diện. Do đó, cần có chiến lược dài hơi để đối phó với Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải có những hành vi đúng đắn không vi phạm đến chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam đang từng bước tạo cơ sở pháp lý vững chắc cũng như kêu gọi sự ủng hộ, lên tiếng của cộng đồng quốc tế, khéo léo trong việc sử dụng sự giúp đỡ của các nước trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trên thực địa.

(NGẠO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.