Xử lý nghiêm hành vi lừa đảo tâm linh qua mạng xã hội
Có một thực tế không khỏi lo ngại hiện nay là không khó để tiếp xúc với cái gọi là “dịch vụ tâm linh” thông qua các hành vi bói toán, xem tử vi, bùa chú trên nhiều trang mạng xã hội… Những “dịch vụ” này không chỉ nở rộ mà còn được quảng cáo, mời chào công khai để một số đối tượng lợi dụng nhu cầu tâm linh thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi. Vì thế, dù tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần chính đáng của một bộ phận nhân dân thì vẫn cần phải xử lý nghiêm khắc những đối tượng có hành vi sai phạm để bảo đảm nhu cầu tâm linh của người dân được thỏa mãn một cách lành mạnh, lương thiện.
Thực trạng “buôn bán tâm linh” không phải mới xuất hiện, nhưng gần đây đang rộ lên với nhiều chiêu thức mới với những thủ đoạn khó lường. Nếu trước đây, việc xem bói hay xin bùa người dân thường phải trực tiếp đến các địa điểm như: đền, chùa, miếu mạo, hoặc nhà riêng của “thầy, cô” thì nay, với sự phát triển của công nghệ họ có thể dễ dàng thực hiện thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Rất nhiều trang Facebook đã được lập ra để gieo quẻ, xem tử vi,… dựa trên mác “đồng cốt” của chủ tài khoản với hàng chục ngàn lượt thích (like), lượt theo dõi (follow). Chưa kể, còn không ít các hội, nhóm kín chuyên về tử vi, tướng số, xem bói về phong thủy,… với số lượng thành viên lên đến cả trăm nghìn người. Trong các nhóm kín này, có một số tài khoản tự xưng là “cậu”, “cô”, tự quảng cáo có năng lực đặc biệt luận giải được mọi vận hạn của con người (thông qua đường chỉ tay, tướng mạo,…) nhằm mời chào, thu hút “khách”. Đáng nói, trên nhiều trang mạng xã hội, còn xuất hiện khá phổ biến hình thức livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán. Từ một nghi lễ đậm màu sắc văn hóa truyền thống, hình thức này dần bị biến tướng thành một hoạt động mê tín dị đoan, thậm chí lừa đảo để thu lợi. Cá biệt, không chỉ xem tướng số, một số tài khoản mạng xã hội còn tự nhận mình được “lộc trời ban” nên “có khả năng cho số lô đề bảo đảm bách phát bách trúng”. Thậm chí, có người còn quảng cáo những ai cần giải quyết nợ nần hay cần vốn làm ăn, chỉ cần bỏ ra “ít tiền” xin số đề của họ là… được giải quyết nhanh chóng!
Ngoài xem bói, luận giải tử vi, phong thủy,… cũng không khó để tìm được các trang web, trang mạng xã hội trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan với quảng cáo “hấp dẫn” như: “Bùa phép linh nghiệm – Có một không hai”, “Chuyên gia yểm bùa ba đời – thầy bùa nổi tiếng xứ Mường”, “Bùa phép linh nghiệm – Bùa Thái-lan bậc nhất linh ứng”… Trên các “chợ điện tử”, hoạt động này diễn ra hết sức dễ dàng và công khai với những lời khẳng định chắc nịch của người bán rằng: không linh không bán, không hiếm không bán, không rẻ cũng không bán! Mặt hàng được rao bán hết sức phong phú, vì ngoài các loại bùa thường thấy như: bùa yêu, bùa chiêu tài, bùa hộ thân, một vài trang mạng xã hội còn quảng cáo cả những loại bùa cực độc như: bùa cho “con giáp thứ 13”, bùa “xin tiền người yêu”… Gần đây, xuất hiện một loại “bùa ngải” mới là búp bê Kuman Thong, xuất xứ từ Thái-lan, được đồn thổi là sẽ giúp cho chủ nhân của chúng may mắn trong cuộc sống nếu được đối đãi tử tế. Vì thế, người sở hữu những con búp bê này phải lập “bàn thờ” riêng, chăm sóc chúng như “con”. Ngay trên mạng xã hội, có hàng trăm hội, nhóm với số lượng thành viên từ hàng nghìn tới hàng chục nghìn người, hằng ngày chia sẻ cách chăm sóc búp bê, cho ăn thế nào (nhóm nuôi Kuman Thong, Nhóm mua bán bùa…). Điểm đặc biệt là các loại “bùa” này có giá không hề rẻ, giá từ vài trăm tới vài triệu đồng tùy theo nhu cầu và sự “mạnh tay” của khách hàng. Nắm bắt được tâm lý mê tín lại nhẹ dạ cả tin của khách, nhiều đối tượng còn hét giá trên trời mà vẫn nhộn nhịp người “mắc câu”.
Từ sự nhộn nhịp bất thường của “thị trường mua bán tâm linh”, có thể thấy, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn khác nhau để thực hiện hành vi lừa đảo, trục lợi. Một số trang chuyên xem bói thường sử dụng hình thức xem tử vi miễn phí, nhưng khi có phản hồi từ người xem thì chỉ “phán” hết sức qua loa, mập mờ, úp úp mở mở nửa chừng khiến người được trả lời hoang mang, sau đó mới yêu cầu liên lạc lại để giải thích rõ hơn. Khi người có nhu cầu liên lạc lại, các đối tượng này sẽ yêu cầu phải sắp lễ hoặc cúng giải hạn với số tiền tương đối lớn thì mới “hóa giải” được căn quả, vận hạn.
Bên cạnh hình thức xem bói, giải hạn online, nhiều tài khoản đã lợi dụng sự cả tin của người dân, vừa lôi kéo, vừa dụ dỗ và quảng cáo rằng có thể phù phép vào các loại vật phẩm như: vòng đeo tay, bột sa ngải, bùa chú,… nhằm bán kiếm lời. Một chiêu thức nữa mới xuất hiện gần đây là một số đối tượng đã lập các trang chuyên về tâm linh, bói toán, xem tướng,… đăng tải những bài viết có nội dung kêu gọi người dân để lại số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ để thu thập thông tin cá nhân. Từ đó, các đối tượng tiến hành mạo danh nhà chùa gọi điện đến các số điện thoại đã thu thập được để mời chào, lừa bán các vật phẩm tâm linh. Tuy nhiên, theo Đại đức Thích Nguyên Chính – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì “Giáo hội khẳng định là các chùa không bán các vật phẩm phong thủy hay số tử vi,… Chưa có một chương trình, một văn bản, một chỉ đạo nào của Giáo hội Phật giáo về vấn đề này. Đây có thể coi là những người lợi dụng để trục lợi”. Gần đây, trên mạng còn xuất hiện nhiều trang thông tin giả mạo các chùa lớn như Yên Tử, Phật Tích, Bút Tháp,… kêu gọi người dân thực hiện cúng dường, cầu an qua ví điện tử MoMo. Về vấn đề này, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cảnh báo “người dân cần thận trọng khi tiếp cận thông tin, tránh bị lừa bởi các chiêu trò mạo danh nhà chùa”.
Có thể thấy, sở dĩ tình trạng kinh doanh không hợp pháp liên quan vấn đề tâm linh vẫn tràn lan, thậm chí có chiều hướng ngày càng phát triển trên thị trường là do xuất phát từ lợi nhuận rất lớn của hoạt động này. Thói quen thực hiện nhu cầu tâm linh và hành vi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân cũng góp phần khiến việc kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Nhận thức còn phiến diện, lại đặt niềm tin vào sự chi phối của thế giới tâm linh vô hình, làm cho nhiều người dễ rơi vào vòng xoáy của mê tín dị đoan, dần dà bị lôi kéo, lợi dụng. Ngoài ra, những quy định của pháp luật về vấn đề này còn chưa đầy đủ, tạo kẽ hở khiến những người kinh doanh dịch vụ tâm linh online ngày càng có nhiều chiêu trò “lách luật” tinh vi. Chưa kể, không ít người lợi dụng niềm tin của con người không chỉ để trục lợi về mặt kinh tế mà còn để gieo rắc những điều kỳ quái, gây hoang mang trong cộng đồng hoặc muốn được nổi tiếng.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, tình trạng bói toán trực tuyến nở rộ và sự tồn tại của cái gọi là “dịch vụ tâm linh” đang là vấn đề cần phải được cảnh tỉnh trên bình diện xã hội. Kể cả người mê muội tin theo và đặt kỳ vọng vào các “giá trị hư vô” lẫn người lợi dụng sự mê muội đó cần phải lên án và bị bài trừ. Bởi sự mê muội đó không chỉ làm tổn hại kinh tế cá nhân và gia đình mà còn làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may từ bùa phép dẫn đến những hậu quả khó lường. Mới đây, một YouTuber khá nổi tiếng với hàng triệu lượt follow đã tạo nên một làn sóng bức xúc, thậm chí khiến nhiều bậc phụ huynh giận dữ khi sử dụng búp bê Kuman Thong như một loại bùa ngải để “xin vía học giỏi” cho các em học sinh. Việc làm phản giáo dục này ít nhiều khiến các em nhìn nhận sai lệch, không nỗ lực học tập mà nảy sinh tư duy ỷ lại, tin tưởng vào bùa phép. Theo GS, TS Vũ Gia Hiền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa – du lịch Việt Nam, những người tin vào bùa phép, tin vào quyền năng của ma quỷ sẽ không có ý thức lao động chân chính, mong chờ quyền lực siêu nhiên giúp mình đạt được mục đích. Đáng sợ hơn, khi không đạt được tham vọng, họ có thể sẽ trở nên mê muội, ích kỷ. Đây thật sự là một vấn nạn nguy hiểm, cần được loại bỏ khỏi đời sống xã hội.
Để ngăn chặn hành vi lợi dụng vấn đề tâm linh để trục lợi bất chính cần có nhiều giải pháp, phải được thực hiện một cách đồng bộ và xuyên suốt trong một thời gian dài. Trước hết, về mặt pháp luật, cần kiên quyết xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật khi lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi cá nhân. Trên thực tế đã có các quy định cụ thể, như: tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo xác định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”; và tại khoản 1, Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội hành nghề mê tín, dị đoan cũng quy định: “Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Như vậy, với các vi phạm tương ứng khung hình phạt đã quy định trong văn bản luật, cần xử lý triệt để và quyết liệt, đủ sức răn đe. Với các hành vi buôn bán bùa chú, các vật phẩm tâm linh, hành nghề bói toán, mê tín dị đoan trên các mạng xã hội, cần thống nhất về thẩm quyền xử lý, phạm vi xử lý với Luật An ninh mạng, để có các điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát nội dung các trang mạng xã hội có dấu hiệu bói toán, buôn bán, kinh doanh bùa chú online để kịp thời xử lý, ngăn chặn sai phạm. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân về các hoạt động tâm linh lành mạnh, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Quan trọng hơn, mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của hiện tượng này; không tin vào những đồn thổi vu vơ về quyền phép của bùa chú, không tin theo bói toán vô căn cứ để mê muội, tiền mất tật mang. Bởi, dù thế nào thì điều tốt lành, sự may mắn chỉ đến với mỗi người khi có tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh.