Xuyên tạc phẩm chất trung thành của Quân đội – trò “bình mới, rượu cũ” của các thế lực thù địch

Như một thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại ra sức “tấu” những điệp khúc xuyên tạc quen thuộc, hòng chia rẽ, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, thúc đẩy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Bởi vậy, cảnh giác, nhận rõ và chủ động đấu tranh, bác bỏ các luận điệu, chiêu trò đó là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Vẫn luận điệu cũ, họ tiếp tục rêu rao rằng: “Quân đội không cần trung thành với Đảng, chỉ cần trung thành với Tổ quốc và Nhân dân”. Thực chất luận điểm trên của các thế lực thù địch không có gì mới trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Nó vẫn nằm trong mục tiêu hòng “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam, phủ nhận phẩm chất trung thành của Quân đội ta, đưa Quân đội vào trung lập hóa, mất phương hướng chính trị, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, phai nhạt bản chất giai cấp công nhân, dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mất sức chiến đấu. Cần khẳng định rõ: đây là luận điểm lố bịch về khoa học – trò hề trong trò chơi chính trị của các thế lực thù địch. Do đó, cần vạch rõ tính chất phản khoa học, phản động của luận điểm trên.

Về hình thức ngôn ngữ thì loại luận điểm trên, nếu nghe qua dễ làm cho người ta cảm thấy chưa có vấn đề gì, thậm chí không ít người còn gật gù chấp nhận. Vì, nó cũng bàn đến phẩm chất trung thành của Quân đội, nhất là sự trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân. Nhưng suy xét một cách kỹ lưỡng chúng ta thấy, ẩn chứa sau đó là âm mưu chống phá rất thâm độc của các thế lực thù địch trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Bởi, cách họ không bao giờ công khai lập trường, quan điểm phản động, mà dùng lối cắt xén từ ngữ, đánh tráo khái niệm trong thuật ngụy biện để che đậy bản chất chống phá một cách tinh vi. Thuật ngụy biện cũng để ý tới các mặt, những mối liên hệ khác nhau của sự vật, nhưng lại đưa cái không cơ bản thành cái cơ bản, cái không bản chất thành cái bản chất và ngược lại. Trên thực tế, với thủ đoạn tinh vi, họ đã nhiều lần dùng thuật ngụy biện để xuyên tạc bản chất, phủ nhận giá trị khoa học chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng. Song, những việc làm đó của họ khó đánh lừa được dư luận và sẽ chịu thất bại.

Trong luận điểm: Quân đội không cần trung thành với Đảng, chỉ cần trung thành với Tổ quốc và Nhân dân thuật ngụy biện đã tái hiện lại sự cắt xén từ ngữ, đánh tráo khái niệm để biến cái không cơ bản thành cái cơ bản, cái không bản chất thành cái bản chất. Về thực chất là họ phủ nhận phẩm chất trung thành của Quân đội ta đã được hình thành, tôi luyện, củng cố ngay từ khi thành lập đến nay. Họ cắt xén nội dung: phẩm chất trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam làm cho nội hàm của khái niệm phẩm chất trung thành bị biến dạng hoàn toàn về bản chất. Tách và bỏ nội dung trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự xuyên tạc trắng trợn, nhằm chống phá Quân đội ta. Ở đây, diễn đạt đầy đủ và đúng đắn phải là: Quân đội nhân dân Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trung thành với mục tiêu bảo vệ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Điều này được hiến định rõ tại Điều 65, Chương IV, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Do đó, việc họ tách và bỏ một nội dung có tính đặc trưng quan trọng nhất là trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi khái niệm phẩm chất “trung thành” của Quân đội là cắt xén nội dung, xuyên tạc bản chất một cách trắng trợn. Đó là biểu hiện của sự tùy tiện, chủ quan, phi lôgíc mà thuật ngụy biện thường dùng. Họ chỉ dùng nội dung phẩm chất trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân nhằm hướng nhận thức của mọi người vào cái chung chung “lửng lơ”, mà không đi đến gốc rễ của vấn đề. Mục đích của họ là để dẫn mọi người đến nhầm lẫn, hòa tan giữa Tổ quốc mang bản chất của giai cấp tư sản và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mang bản chất giai cấp công nhân là một. Và, từ đó sẽ dẫn tới Quân đội ta mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Đây là sự xảo trá, hết sức thâm độc của các thế lực thù địch, nhằm tách bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội ta. Vấn đề này đã được C.Mác – Ph. Ăngghen chỉ rõ: dưới chế độ bóc lột “công nhân không có tổ quốc”1. Vì thế, quần chúng nhân dân không việc gì phải hy sinh xương máu cho cái “Tổ quốc” của giai cấp tư sản. Như vậy, nếu cụ thể vào luận điểm, chỉ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân “trần trụi” như thế thì rõ ràng đó là một hình thức đánh lừa quần chúng nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta hiện nay.

Về nội dung, điều đặc biệt nguy hiểm là các thế lực thù địch đã tách, bỏ nội dung trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì nội dung này là cái quyết định nhất đến cái tổng thể của khái niệm trung thành. Trung thành với sự lãnh đạo của Đảng là quyết định nhất bản chất chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta. Nếu không còn nội dung trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ dẫn Quân đội ta đi vào trung lập hóa, bị “phi chính trị hóa” và cuối cùng cái trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân cũng sẽ không còn. Về bản chất, giữ vững nội dung trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bao hàm sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và mục tiêu bảo vệ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Việc tách và bỏ nội dung trên là làm cho khái niệm phẩm chất trung thành của Quân đội ta trở lên trống rỗng, đánh mất bản chất chính trị cách mạng, bản chất giai cấp công nhân; xa rời mục tiêu lý tưởng, mục tiêu chiến đấu,… trượt khỏi chế độ xã hội chủ nghĩa để đi vào quỹ đạo chủ nghĩa tư bản.

Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ: không có và không thể có bất kỳ một quân đội nào lại không gắn với một đảng cầm quyền. Và quân đội luôn mang bản chất chính trị, bản chất của một giai cấp nhất định, đó là giai cấp, nhà nước tổ chức ra, sử dụng nó. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức, lãnh đạo Quân đội, được khẳng định rõ tại Điều 25, Chương VI, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tham gia xây dựng đất nước. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Trong đó, chính trị của Quân đội ta tập trung cao nhất ở phẩm chất trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng rồi mới đến các phẩm chất trung thành khác. Việc tách và bỏ phẩm chất trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có nghĩa đưa Quân đội rơi vào “phi chính trị hóa”, mất định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa, vu vơ về chính trị, như một thể xác không có linh hồn. Điều này đã được thực tiễn minh chứng rõ từ việc các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô trước đây là khi đất nước, Tổ quốc diễn ra chính biến chính trị thì quân đội tuyên bố trung lập, mất định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa dẫn đến sụp đổ cả một chế độ xã hội. Có nhiều nhân tố dẫn đến việc đánh mất nội dung trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng; trong đó, trực tiếp là việc để các quan điểm phản động xâm nhập vào đời sống tinh thần xã hội, mà không được khắc phục, ngăn ngừa, đẩy lùi kịp thời, có hiệu quả từ sớm. Quá trình chuyển từ thúc đẩy “diễn biến” đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng bắt đầu từ phương pháp dùng thuật ngụy biện, đánh tráo khái niệm, mà cụ thể là luận điểm: quân đội không cần trung thành với Đảng, chỉ cần trung thành với Tổ quốc và Nhân dân. Từ chỗ xem nhẹ loại luận điểm này đến chấp nhận, nhượng bộ, thỏa hiệp, đánh mất phẩm chất trung thành tuyệt đối với sự lãnh đạo của Đảng và cuối cùng là đứng ngoài chính trị, “phi chính trị hóa” Quân đội. Đây là một ngón đòn rất “lợi hại” của các thế lực thù địch.

Với ý nghĩa đó chúng ta khẳng định rằng, không chấp nhận luận điểm: Quân đội không cần trung thành với Đảng, chỉ cần trung thành với Tổ quốc và Nhân dân. Bởi, nó là một chiêu trò đánh lừa dư luận, hòng phủ nhận sự độc tôn lãnh đạo của Đảng với Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm phá vỡ nền tảng chính trị của Quân đội, làm cho Quân đội mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu, không còn khả năng làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ; tiếp tục quán triệt lời chỉ dẫn của V.I. Lênin: “Thống nhất về mặt tư tưởng bằng truyền bá những tư tưởng nhất định, làm sáng tỏ sự đối chọi giai cấp, sự phân định ranh giới về mặt tư tưởng. Thống nhất về mặt tư tưởng bằng truyền bá những tư tưởng có khả năng đẩy lên phía trước, những tư tưởng của giai cấp tiên phong”2 vào củng cố thái độ dứt khoát: “phẩm chất trung thành của Quân đội là không thể xuyên tạc” hiện nay. Trên cơ sở đó, định hướng cho các khâu, các bước tuyên truyền, giáo dục, nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp vạch trần thuật ngụy biện trong đấu tranh, phản bác các quan điểm phản khoa học, phản động của các thế lực thù địch. Chỉ như vậy chúng ta mới có cơ sở khoa học đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái một cách thuyết phục, làm vô hiệu hóa chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng Quân đội ta thật sự là một cơ thể cường tráng “miễn dịch” với các vi rút độc hại, sự chống phá của các thế lực thù địch.

ĐỨC MINH/TCQPTD
________

1 – C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 623.

2 – V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 530.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.