BẢO ĐẢM VÀ THÚC ĐẨY QUYỀN CON NGƯỜI LÀ CHỦ TRƯƠNG NHẤT QUÁN CỦA VIỆT NAM

Gần đây, trên trang mạng Việt Nam Thời Báo đã tán phát nhiều bài viết có nội dung sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền ở nước ta. Chúng cho rằng: Việt Nam đàn áp người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền; “Việt Nam triệt tiêu nhân quyền”; “ở Việt Nam thì nhân quyền chỉ còn ở trên giấy”. Đây rõ ràng là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình vu khống, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở nước ta.

Như đã biết, tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra những chủ trương đúng đắn về bảo đảm quyền con người. Điển hình là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) “Về vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nhấn mạnh: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định sự nhất quán về quyền con người, quyền công dân; đồng thời, bổ sung nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Nhà nước luôn chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quyền con người. Từ khi Hiến pháp năm 2013 đến nay, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Việc xây dựng các đạo luật theo nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ.

Trong quy trình xây dựng pháp luật, các dự thảo luật đều được công bố rộng rãi, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân và được chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến đóng góp của nhân dân. Những thành tựu đạt được trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước; tạo cơ sở pháp lý quan trọng để mọi người có cơ hội và điều kiện thuận lợi thụ hưởng quyền con người. Do vậy, những luận điệu xuyên tạc “Việt Nam triệt tiêu nhân quyền”; “ở Việt Nam thì nhân quyền chỉ còn ở trên giấy”… là hoàn toàn bịa đặt, không đúng sự thật. Do đó, chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết lên án, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.

(NCG)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *