Bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trên không gian mạng

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số diễn ra đồng bộ trên mọi lĩnh vực và mang lại nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ văn hóa xuyên biên giới đối với công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện nay cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ”. Ảnh: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Hiện nay, bên cạnh nhiều chương trình, phim ảnh của các dịch vụ OTT (hình thức cung cấp nội dung qua đường truyền internet tốc độ cao thay vì các phương tiện truyền thống) nước ngoài vào Việt Nam có nội dung tốt, tích cực, được đông đảo công chúng đón nhận, thì cũng xuất hiện không ít sản phẩm, chương trình phản cảm, dung tục, bạo lực, vi phạm quy định pháp luật, đạo đức, văn hóa, thuần phong, mỹ tục.

Việc tự do lưu hành, quảng bá, phổ biến các sáng tạo văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng đã dẫn tới tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, nhiều sản phẩm độc hại đã và đang nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, tư tưởng, đạo đức lối sống, nhân cách của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người vội vã tiếp nhận những trào lưu độc, dị như hát cùng dao kéo, chụp ảnh tạo hình quái đản, nuôi thú độc,… mà ít quan tâm đến nguy cơ, hậu quả về mặt lâu dài. Chưa kể tình trạng dễ dãi trong tiếp nhận văn hóa này còn vô hình trung khiến văn hóa truyền thống phải đối diện với nguy cơ bị xâm lấn, mai một.

Mặt khác, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cũng triệt để sử dụng những thành tựu về khoa học, công nghệ để gia tăng hoạt động chống phá Ðảng, Nhà nước, chế độ; kiên trì thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”. Trên các diễn đàn mạng, trang cá nhân, các đối tượng cực đoan, phản động thường xuyên đăng tải những nội dung chống phá trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chúng coi nền tảng tư tưởng, văn hóa là mặt trận quan trọng để tấn công bằng nhiều cách thức, thủ đoạn.

Phổ biến nhất vẫn là sử dụng các phương thức liên lạc qua OTT để tạo các hội, nhóm kín, móc nối, lôi kéo thành viên; tổ chức các lớp học trực tuyến về “xã hội dân sự”, “dân chủ nhân quyền”, tuyên truyền về “phương pháp đấu tranh bất bạo động”; tổ chức các diễn đàn để tác động, chuyển hóa tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Một số nội dung được chúng biên tập, xuyên tạc tinh vi hòng kích động, thúc đẩy các luồng dư luận trái chiều, lôi kéo quần chúng, thậm chí cả tầng lớp trí thức, cán bộ, sinh viên, học sinh tham gia hoạt động chống phá, gây áp lực với chính quyền, âm mưu chống phá và lật đổ chế độ.

Một số người, trong đó có nhiều người trẻ, còn khá xa lạ với khái niệm biên cương văn hóa tư tưởng.

Một số người, trong đó có nhiều người trẻ, còn khá xa lạ với khái niệm biên cương văn hóa tư tưởng. Tuy nhiên trên thế giới, đây được xem như một sức mạnh mềm trước những tác động sâu sắc trên mọi phương diện của đời sống xã hội, và đang ngày càng phát huy ảnh hưởng trên không gian mạng. Nhà báo Thomas Friedman – tác giả cuốn sách “Thế giới phẳng” nhận định: Khi được đặt trong không gian mạng, sự mở rộng tầm ảnh hưởng này là không biên giới, vượt mọi giới hạn không gian, thời gian, thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân, cộng đồng, quốc gia dân tộc… Trong không gian mạng, thông tin được phát tán cực nhanh, với quy mô cực rộng, tính tương tác truyền bá cực lớn, và một khi đã phát tán thì rất khó ngăn chặn. Khác với không gian thực tế, không gian mạng mang tính gián tiếp, ẩn danh, nên dễ dàng thoát khỏi sự kiểm soát, kiểm duyệt chính thống; ít chịu sự ràng buộc về pháp lý, đạo đức, trách nhiệm và khó nắm bắt, quản lý.

Sự xâm lấn của các nền tảng xuyên biên giới đang đặt ra bài toán cho mỗi quốc gia trước yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ biên giới văn hóa tư tưởng.

Hiện nay trên thế giới, một số nước nghiêm cấm sự hiện diện của một số mạng xã hội. Theo các chuyên gia, điều này có nguyên nhân sâu xa là vấn đề chủ quyền thông tin. Một chuyên gia về trí tuệ nhân tạo từng nhận định: “Những cuộc chiến tranh tương lai sẽ bắt đầu từ sự phá vỡ chủ quyền thông tin”. Tuy nhiên, khả năng mất chủ quyền thông tin của nhiều quốc gia đang hiện hữu vì năng lực công nghệ yếu kém, trong khi đó, một số nền tảng xuyên biên giới đang trở thành một phần của văn hóa toàn cầu. Sự xâm lấn của các nền tảng xuyên biên giới đang đặt ra bài toán cho mỗi quốc gia trước yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ biên giới văn hóa tư tưởng.

Tại Việt Nam, những năm qua, Quốc hội đã ban hành Luật Công nghệ thông tin (2006), Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Ðiện ảnh (ban hành 2006; sửa đổi, bổ sung 2009; hợp nhất 2013) trong đó có đề cập không gian mạng… Ðặc biệt Quốc hội đã kịp thời ban hành Luật An ninh mạng ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý thông tin, dịch vụ trên không gian mạng. Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, như Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (số 72/2013/NÐ-CP và số 27/2018/NÐ-CP) và đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng,… Trên cơ sở đó các bộ, ngành, cơ quan chức năng cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ an ninh văn hóa của nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ an ninh văn hóa của nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do sự can thiệp, tác động, “hướng lái” của các nền tảng OTT lớn chiếm lĩnh thị phần chủ yếu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các máy chủ dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam đều được đặt ở nước ngoài, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của các cơ quan nhà nước, nên rất khó quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta phải thừa nhận, công tác đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch hiện nay có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao.

Bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát huy tầm ảnh hưởng, đồng thời làm nảy sinh những diễn biến phức tạp đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý đối với công tác quản lý như: rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường quản lý các sản phẩm văn hóa, thông tin nhất là trên các nền tảng OTT xuyên biên giới, kiên quyết xử lý, yêu cầu gỡ bỏ ngay lập tức những nội dung, sản phẩm, thông tin vi phạm; tăng cường hiệu quả công tác cấp phép, quản lý bản quyền, kiểm duyệt, kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra; hoàn thiện các công cụ, cách thức quản lý, phối hợp cả tiền kiểm lẫn hậu kiểm; kiên quyết xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để đấu tranh một cách khôn khéo, kiên quyết và kiên trì, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật về quản lý nội dung, lưu trữ dữ liệu, quản lý quảng cáo, quản lý thuế và thanh toán, tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, công ty công nghệ tham gia phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ OTT, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật xây dựng các sản phẩm số, quảng bá phim, ảnh tuyên truyền sự kiện chính trị, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các sản phẩm văn hóa trên nền tảng số.

Dùng công nghệ để quản lý công nghệ cũng là một giải pháp hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải sử dụng các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát, giám sát như: dựng “tường lửa”, “lá chắn”; sử dụng sản phẩm lọc thông tin, ngăn chặn nội dung xấu độc, các phần mềm tự động mã hóa hoặc gỡ bỏ thông tin tiêu cực, phản cảm; tăng cường nguồn lực, nhân lực cho mục tiêu tự chủ về an ninh mạng, xây dựng nền công nghiệp an ninh mạng để bảo đảm phục vụ tuyên truyền chính trị và văn hóa trên không gian mạng; khuyến khích, đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ và giới trẻ tham gia các khâu sáng tác, phổ biến, lưu hành các tác phẩm trên không gian mạng, để mỗi người dân là một “chiến sĩ biên phòng”, tham gia bảo vệ và giám sát biên cương văn hóa tư tưởng.

Chính sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua cũng đang góp phần gìn giữ, bảo vệ, phục hồi và khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc và quốc gia.

Một yêu cầu quan trọng nữa là phải bảo tồn, tái sinh và phát huy vai trò của giá trị văn hóa truyền thống, coi đây là nguồn cung cấp “nguyên liệu đầu vào” phong phú và đa dạng cho nhiều ngành công nghiệp văn hóa như du lịch, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử,… giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và thương hiệu nhận diện trong thị trường khu vực và thế giới. Chính sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua cũng đang góp phần gìn giữ, bảo vệ, phục hồi và khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc và quốc gia. Mặt khác, cần kiện toàn hệ thống chính sách có khả năng thúc đẩy các sáng kiến văn hóa đang diễn ra trong cộng đồng sáng tạo của giới trẻ theo hướng sử dụng, chuyển hóa hiệu quả các cơ sở hạ tầng, tài nguyên văn hóa vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Ðặc biệt đối với người dân, cần nâng cao ý thức cảnh giác, tăng cường tiếp nhận thông tin tích cực, tạo “sức đề kháng” trước những luận điệu, thông tin xấu độc, vô căn cứ, tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng, văn hóa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; góp phần xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục trong gia đình và xã hội. Bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng phải bắt đầu từ “phên giậu” lòng dân. Chỉ khi dân đồng thuận, nghe theo, làm theo thì công cuộc khó khăn, thách thức này mới có thể gặt hái được kết quả như mong muốn.

TRẦN ÐỨC ANH/NHÂN DÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.