Cảnh giác trước các thủ đoạn chống phá Đảng trên không gian mạng (bài 1)

Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị, xã hội, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm xảy ra ở một số địa phương để đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ta bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt và trực diện hơn, nhất là trên không gian mạng. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần cảnh giác, nhận diện rõ các thủ đoạn của các thế lực thù địch để kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bài 1: Hoạt động chống phá diễn ra phức tạp trên không gian mạng

Không gian mạng đã trở thành một vùng lãnh thổ bên cạnh đất liền, vùng biển, vùng trời của một quốc gia. Tuy nhiên, vùng lãnh thổ đặc biệt này đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để, liên tục tiến hành các hoạt động chống phá ngầm và phức tạp đối với Việt Nam.

Gia tăng hoạt động chống phá, kích động tư tưởng ly khai trên mạng

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 77 triệu người dùng internet, tương đương khoảng 79% dân số. Theo thông tin từ đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng internet trên 6,5 giờ/ngày, trong đó có 2,5 giờ sử dụng mạng xã hội. Mỗi người sử dụng internet cũng là người đưa và truyền thông tin trên không gian mạng.

Tính từ năm 2018 đến 2023, các cơ quan chức năng của Quân đội đã xác định hơn 500 tài khoản mạng xã hội do phản động cầm đầu, 150 nhóm phản động chủ chốt. Qua theo dõi, các cơ quan chức năng của Quân đội phát hiện hơn 3.000 website, tài khoản mạng xã hội phát tán tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội. Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động phát hiện, bóc gỡ, vô hiệu hóa hơn 370 tài khoản và gần 3.000 bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Sự bùng nổ truyền thông và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ khoa học đã mang lại những tiện ích vượt trội trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Internet, mạng xã hội không giới hạn về không gian, thời gian, phạm vi tương tác đa chiều, tích hợp nhiều tính năng đa phương tiện đã trở thành nhu cầu thiết yếu của con người; tác động trực tiếp và mạnh mẽ làm thay đổi nhận thức, tư tưởng, hành vi của mỗi cá nhân nói riêng, đến sự ổn định và phát triển của xã hội nói chung.

Không thể phủ nhận, những giá trị tích cực do internet, mạng xã hội mang lại như cung cấp thông tin về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân; kịp thời phản ánh thực tiễn đời sống kinh tế – văn hóa, xã hội của đất nước; là phương thức giúp cho các tổ chức, cá nhân, người dân trao đổi thông tin, giải quyết công việc hàng ngày, kết nối gia đình, bạn bè, cộng đồng… Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, mạng xã hội vẫn có những tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực tới người dùng. Các ứng dụng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Youtube, Zalo, Facebook Messenger, Twiter, WeChat, WhatsApp, Instagram, Google+… cho phép người dùng thoải mái bình luận, tự do bày tỏ quan điểm đã tạo không gian tự do nhất cho người dùng. Vì yếu tố này, người dùng thoải mái đăng tải, thông tin dưới nhiều hình thức như: Bản tin, bài viết, ý kiến bình luận, cảm nhận, hình ảnh, video/clip hay file âm thanh và tự do chia sẻ, lan truyền thông tin mà họ cho là đúng, là hữu ích mà không cần kiểm chứng hoặc chưa được thông qua bất kỳ sự kiểm duyệt nào của cơ quan chức năng.

Với đặc trưng tự do, không có ranh giới cụ thể giữa “thực” và “ảo”, không giới hạn không gian, thời gian, phạm vi, thông tin trên mạng xã hội được lan truyền với tốc độ rất nhanh, trên diện rộng tới mọi đối tượng từ trẻ em tới người già. Nếu người dùng không có kiến thức, kỹ năng nhận biết, chọn lọc thông tin, rất dễ rơi vào bẫy “tin giả”, từ đó vô tình tiếp tay lan tỏa thông tin xấu, độc mà các phần tử xấu tạo dựng, gây hoang mang dư luận xã hội, tạo nên những hệ lụy khôn lường không chỉ đối với từng cá nhân mà với cả xã hội, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia.

Trên thực tế, những năm qua, không gian số, mạng xã hội đã trở thành môi trường lý tưởng để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng khai thác nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Mạng xã hội được coi là công cụ hàng đầu để chúng liên lạc, tập hợp lực lượng, phát tán, lan truyền thông tin sai trái, không đúng sự thật, vu khống, xuyên tạc, kích động cổ súy cho các hành vi chống phá, đặc biệt là nền tảng tư tưởng của Đảng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động tư tưởng ly khai, hận thù dân tộc, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết trong nhân dân…

Đơn cử như vụ khủng bố chống chính quyền tại trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) ngày 11/6/2023 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 4 chiến sĩ công an và 2 cán bộ xã hy sinh, 2 chiến sĩ công an bị thương và 3 người dân tử vong. Đây là vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân nằm trong âm mưu, hoạt động của các đối tượng phản động FULRO lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề Ga”, gây ra bất ổn đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Số đối tượng bị bắt giữ phần nhiều là đối tượng trẻ, khai nhận thực hiện hành vi do bị các đối tượng cầm đầu xúi giục, kích động qua mạng và kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số với cớ đòi đất. Lợi dụng vụ việc này, các thế lực phản động đồng loạt tung ra thông tin xấu, độc, bình luận xuyên tạc, kích động chống phá về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, hướng lái dư luận công kích chính quyền và lực lượng công an.

Hàng chục nghìn vụ tấn công mạng vào Việt Nam mỗi năm

Theo báo cáo tổng kết an ninh mạng Việt Nam năm 2023 do Công ty an ninh mạng NCS công bố ngày 12/12/2023, ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022. Tuy nhiên, theo thông tin từ Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, khi rà soát những hoạt động hình thành nhưng chưa đến mức tấn công thì 1 năm là hàng trăm nghìn cuộc và số lượng tin giả rất lớn. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2024, số sự cố tấn công mạng hệ thống thông tin tại Việt Nam được ghi nhận lên tới 2.323 vụ.

Bộ Công an cho biết, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin trọng yếu của các cơ quan bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp tục gia tăng về tần suất và mức độ nguy hiểm. Các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống đối, phá hoại chính trị, tư tưởng, gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo về tình hình chính trị nội bộ, chia rẽ đoàn kết. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đã phát hiện hơn 20 triệu cảnh báo các hoạt động tấn công mạng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 3, Bộ Công an cũng phát hiện hơn 7 triệu cảnh báo, tăng 6% so với tháng 2/2024. Thời gian vừa qua, hệ thống mạng của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị tội phạm tấn công, đánh cắp dữ liệu, thay đổi giao diện, cướp quyền quản trị. Thậm chí, Bộ Công an đã phát hiện hàng chục GB dữ liệu có nội dung bí mật bị đánh cắp.

Các đối tượng thù địch lợi dụng triệt để tính năng lan tỏa thông tin nhanh của các trang mạng, blog, trang Facebook, fanpage, Youtube đăng tải hàng nghìn tin, bài có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05) Bộ Công an, mỗi ngày, có khoảng 400 nguồn thông tin xấu, độc được các thế lực thù địch phát tán với khoảng 5.000 tin, bài, video, clip được tung lên mạng xã hội. Trung bình mỗi tuần, có 4,2 triệu người Việt Nam tiếp cận thông tin xấu, độc. Những hành vi phát tán thông tin độc hại, khi không kịp thời được kiểm soát sẽ tạo sự bất an trong dư luận xã hội, sự hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây ra những hệ lụy không thể lường đối với sự ổn định, bền vững của chế độ nói chung, an ninh trật tự, an toàn xã hội nói riêng.

Bích Nguyên – Thu Quyết/Biên Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *