CẢNH GIÁC VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU BÔI ĐEN, XUYÊN TẠC NGHỊ ĐỊNH 147/NĐ-CP
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP (Nghị định 147) quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Nghị định 147 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024, bao gồm nhiều nội dung mới như: quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới; xác thực tài khoản người dùng Internet; giám sát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng…
Nghị định 147 nhanh chóng trở thành tâm điểm, thu hút nhiều luồng ý kiến. Đặc biệt là những phần tử chống đối, cơ hội chính trị đã lợi dụng vấn đề này để chống phá nước ta. Chúng tán phát lên không gian mạng nhiều thông tin cho rằng “Đây là Nghị định bóp nghẹt tiếng nói của người dân trên mạng xã hội”; Nghị định 147 là “cái nghị định khóa mồm dân tộc Việt Nam” và “siết chặt hơn Internet”; “Nghị định 147 không phải để “kiểm soát công dân như súc vật sao chép từ quan thày Trung Quốc”… Rõ ràng, đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình xuyên tạc, bịa đặt về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc lan truyền tin giả, lừa đảo trực tuyến và các hành vi vi phạm pháp luật trên Internet đang trở thành mối nguy lớn đối với xã hội. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 9 tháng năm 2014, cả nước đã ghi nhận hơn 22.200 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến, trong đó hơn 80% là các vụ chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức lừa đảo kỹ thuật số. Đáng chú ý, 70% các vụ việc xảy ra trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo và Facebook. Trước tình hình này, Nghị định 147 được ban hành, bổ sung thêm một lớp “lá chắn” pháp lý, cùng với Luật An ninh mạng 2018 và các quy định liên quan, nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và quyền lợi của người dân trước những rủi ro khó lường từ không gian mạng.
Nghị định 147 đã bổ sung các quy định chi tiết về phân bổ, cấp phát và thu hồi tài nguyên Internet, đặc biệt là tên miền quốc gia “.vn”. Quy định này giúp bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong việc quản lý tài nguyên quan trọng này. Đối với dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động, Cục Viễn thông sẽ là đầu mối duy nhất quản lý và cấp giấy chứng nhận đăng ký kết nối. Các quy định bổ sung nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng được đưa ra, như yêu cầu doanh nghiệp cung cấp nội dung phải chịu trách nhiệm đối với chất lượng dịch vụ. Những nội dung đáng chú ý này của Nghị định 147 không chỉ phản ánh sự phát triển và hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số, mà còn thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Nghị định 147 đi vào cuộc sống sẽ tạo ra hành lang pháp lý ngày càng chặt chẽ cũng là lúc “mảnh đất” hoạt động của hành vi vi phạm pháp luật càng ngày “thu nhỏ”, qua đây gián tiếp vạch trần bộ mặt thiếu thiện chí, tiêu cực, phản động của một số cá nhân, tổ chức. Mỗi người dân sẽ được tiếp cận thông tin “xanh”, được sử dụng các trang mạng xã hội “sạch”, xây dựng môi trường mạng phát triển lành mạnh, văn minh.
BBT