Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ dân chủ, nhân quyền để chống phá

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn tạo cơ chế, hành lang pháp lý đầy đủ và thuận lợi để nhân dân tham gia góp ý với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Đây được xem là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân. Vấn đề này đã được xác định trong Hiến pháp năm 2013 (từ Điều 14 đến Điều 49) và trong Quy chế dân chủ ở cơ sở và nhiều bộ luật khác.

Trong thực tiễn, hầu hết người dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, tôn giáo… đều được tham gia trong các hội, hiệp hội, các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo… mà mình thấy phù hợp. Người dân được phát biểu chính kiến và bảo lưu chính kiến thông qua người hoặc tổ chức đại diện của mình và các cơ quan chức năng, để đưa ý kiến của mình được chuyển tới nơi cần đến. Việc thực thi dân chủ của chúng ta ngày càng rộng rãi và công minh, công bằng và thực sự làm chuyển biến tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế đang diễn ra, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại sử dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền thực hiện vu cáo, kích động, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vấn đề bảo đảm quyền con người. Thủ đoạn thường dùng của chúng là lợi dụng việc chúng ta truy tố, đưa ra xét xử, thi hành án những đối tượng vi phạm pháp luật như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Trương Duy Nhất, Phạm Đoan Trang… để rêu rao, vu cáo Đảng, Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, kêu gọi quốc tế can thiệp và kích động người dân đứng lên phản đối, chống phá Đảng và Nhà nước.

Có thể nói, những hành vi và mưu mô của một số người được cho là đang “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” ở Việt Nam, chỉ là những kẻ lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của số ít người dân để kích động họ vướng vào vòng lao lý. Chúng ta đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, trong đó điều cơ bản và đầu tiên là toàn quyền xử lý các vấn đề có tính nội bộ của mình, thông qua hệ thống pháp luật đã được toàn dân thừa nhận và phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế. 

Hiện nay, Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Uy tín, vị thế của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng được củng cố, nâng cao bằng các hoạt động có trách nhiệm đối với các tổ chức, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Như vậy có thể thấy, Việt Nam đã tạo và khẳng định được vị thế, uy tín đối với thế giới bằng thực lực của chính mình. Do đó, mọi hành vi xuyên tạc của thế lực thù địch và cơ hội chính trị, hòng làm chuyển hóa hệ thống pháp luật, nền tư pháp và thể chế chính trị ở Việt Nam, đều là những hành động hão huyền, phi thực tế và không thể lừa phỉnh được ai.

(NV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.