CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG VỤ VIỆC BẮT TẠM GIAM ÔNG LƯU BÌNH NHƯỠNG ĐỂ CHỐNG PHÁ ĐẤT NƯỚC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội), Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự. Ngay lập tức, nhiều tổ chức, cá nhân phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam đã tán phát lên không gian mạng nhiều thông tin, xuyên tạc, đưa ra nhiều luận điệu vô căn cứ để tạo cớ tấn công chính quyền nước ta.

Bọn họ cho rằng: “Cơ quan Công an bắt tạm giam bị can Lưu Bình Nhưỡng là “âm mưu chính trị”, là “đòn thanh trừng của Bộ Công an” đối với ông Lưu Bình Nhưỡng sau những phát ngôn về các vấn đề nhạy cảm thời gian vừa qua… Luận điệu này cho thấy đây là một âm mưu chính trị và hoạt động chống phá nguy hiểm, không chỉ xuyên tạc làm sai lệch bản chất sự việc, đẩy nóng vấn đề, hướng lái, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng vụ việc “mang màu sắc chính trị” mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, thường gọi là Cường quắt, trú xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) vì tội cưỡng đoạt tài sản do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thụ lý. Hiện các cơ quan tiến hành tố tụng đang thực hiện điều tra theo đúng quy định và chưa cung cấp thông tin chi tiết về hành vi vi phạm của ông Lưu Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, căn cứ các quy định pháp luật, phải khẳng định rằng, việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Lưu Bình Nhưỡng đã được xem xét một cách toàn diện, không có việc “Bộ Công an dựng lên kịch bản” bắt người vô tội như những gì các đối tượng xấu đưa ra.

Đánh giá một cách khách quan, ông Lưu Bình Nhưỡng đã có những đóng góp không nhỏ trên diễn đàn nghị trường Quốc hội. Tuy nhiên theo Điều 16 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, ông Lưu Bình Nhưỡng hay bất kỳ ai, giữ vai trò, vị trí công tác nào nếu vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam là việc của cơ quan có thẩm quyền dựa trên các căn cứ, chứng cứ, ra quyết định để bắt đầu đưa ra xem xét xử lý theo quy định pháp luật đối với người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm. Đây là việc không hề đơn giản vì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự, uy tín, sự nghiệp của bản thân mỗi người mà còn liên quan đến gia đình, dòng họ. Do đó, trong từng vụ việc trước khi đi đến quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra đối với bất kỳ ai thì các cơ quan chức năng đều phải xem xét, cân nhắc hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, đặt lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân lên trên hết.

Như vậy, có thể khẳng định vụ việc liên quan đến bị can Lưu Bình Nhưỡng chỉ là những vụ án hình sự bình thường. Việc ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội “cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự của các cơ quan chức năng là đúng quy định pháp luật. Những luận điệu xuyên tạc, vu khống trên thực chất chỉ là chiêu trò chính trị hóa các vụ án hình sự để làm sai lệch bản chất vụ việc, hướng lái dư luận sang những vấn đề chính trị, xã hội hệ trọng, nhạy cảm khác nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch mà thôi. Do đó, mọi người phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo, nhận diện rõ vấn đề để không ngộ nhận, tin theo; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước ta.

(VPB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.