KHÔNG CÓ CHUYỆN VIỆT NAM “ĐÀN ÁP BÁO CHÍ”!

Mới đây, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng tải bài viết “Ba tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền chấm dứt đàn áp báo chí trước kiểm điểm nhân quyền”, trong đó có nội dung thông tin các tổ chức Ủy ban Bảo vệ ký giả (CPJ), Freedom House (FH) và Quỹ Nhân quyền Robert F. Kennedy (RFK) kêu gọi Chính phủ Việt Nam “chấm dứt đàn áp báo chí, bảo đảm các nhà báo không bị cầm tù hoặc bị sách nhiễu hay không được hoạt động báo chí” và dẫn ra các cái tên của các đối tượng vi phạm pháp luật mà cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ, điều tra, xét xử, xử lý, như: Nguyễn Văn Hoá, Phạm Chí Dũng, Trần Đức Thạch, Phạm Đoan Trang, Đường Văn Thái, Lê Anh Hùng… Đây không phải là lần đầu tiên các tổ chức này vu khống bất chấp sự thật và đưa ra những đòi hỏi hết sức phi lý. Thực tế thì sao?

Thứ nhất, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do khai thác sử dụng Internet. Điều này đã được Hiến định cũng như quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay, Việt Nam hiện có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí, với khoảng 42.400 người. Đến đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Số lượng người đang dùng mạng xã hội là khoảng 70 triệu người… Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Thứ hai, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia để bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng (Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948); Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966)).

Việt Nam cũng như ở bất kỳ nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vô luận ai có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đi đôi với đảm bảo quyền tự do cho mọi người, thời gian qua, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng các quyền tự do để thực hiện các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những trường hợp mà các thế lực thù địch gọi là “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập”, “các bloggers có tiếng nói đối lập” như Nguyễn Văn Hoá, Phạm Chí Dũng, Trần Đức Thạch, Phạm Đoan Trang, Đường Văn Thái, Lê Anh Hùng… thực chất là những kẻ lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Từ những dẫn chứng trên, khẳng định không có chuyện Việt Nam “đàn áp báo chí”. Việc các tổ chức mang danh quốc tế suốt ngày tung ra các luận điệu vu khống trắng trợn tình hình tự do dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam để chống phá Việt Nam là hành vi hoàn toàn sai trái, cần bị lên án, vạch trần.

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.