Cần cảnh giác với thủ đoạn núp bóng các tổ chức công đoàn độc lập để chống phá Đảng, Nhà nước ta

Ngày 01/01/2021, Bộ luật Lao động (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”. Giường như chỉ chờ có thế, các phần tử cơ hội, thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, tuyên truyền, kích động công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp đình công, gây rối trật tự xã hội; lôi kéo lực lượng thành lập cái gọi là “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập”, với âm mưu hình thành lực lượng đối lập với Công đoàn Việt Nam; kêu gọi các nước, các tổ chức phi chính phủ can thiệp thô bạo vào các vấn đề lao động, công đoàn ở Việt Nam… Đằng sau vỏ bọc hào nhoáng bảo vệ cho quyền lợi của người lao động của một số tổ chức như: “Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam”, “Công đoàn độc lập”, “Phong trào Lao động Việt”, “Liên đoàn Lao động Việt tự do” là âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với Việt Nam… Tất cả hòng phục vụ cho âm mưu đen tối của chúng là lật đổ vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng, xóa bỏ thể chế chính trị tại Việt Nam thông qua con đường “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” như đã từng thực hiện thành công tại một số nước…

Trải qua hơn 90 năm hình thành và phát triển, nhất là sau 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh… Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Công đoàn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” đã chỉ rõ: Thời gian tới, số lượng công nhân, lao động trong thời gian tới sẽ tăng nhanh, hoạt động công đoàn tiếp tục mở rộng và chuyển mạnh sang khu vực ngoài nhà nước; quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động… đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Theo đó, Bộ Chính trị đã đặt ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai, gồm: (1) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; (2) Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; (3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới; (4) Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; (5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn; (6) Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với công đoàn.

Nghị quyết số 02-NQ/TW được ban hành là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trước tình hình mới. Nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và mỗi cán bộ công đoàn là thấm nhuần tinh thần, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết; đồng thời, cần tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện và đấu tranh với thủ đoạn nguy hiểm của các phần tử xấu, thế lực thù địch lợi dụng việc kêu gọi thành lập các tổ chức công đoàn độc lập để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.