Không có chuyện Việt Nam bắt giam người bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội!

Mới đây, trang fanpage của tổ chức phản động Việt Tân đăng tải bài viết trong đó có dẫn lời của Lena Rorbach – người được cho là đặc trách nhân quyền của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) – có nội dung là: “Hơn 40% tù nhân lương tâm ở Việt Nam bị bắt giam vì bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội”. Đây là nhận định hết sức chủ quan, phi lý đến nực cười. Tại sao?

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, nói về cái mà Lena Rorbach gọi là “tù nhân lương tâm”. Thực ra, Lena Rorbach đang cố tình đánh tráo khái niệm, đánh lận bản chất vấn đề hòng phục vụ mưu đồ đen tối là hạ bệ uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế mà Lena Rorbach và tổ chức của mình không muốn thừa nhận đó là Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền con người và thực hiện các chính sách nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Những thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo đảm các quyền con người cho nhân dân, Việt Nam cũng có quyền thực hiện tất cả các biện pháp để bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân, bảo vệ sự ổn định, phát triển của đất nước. Con số 40% mà Lena Rorbach gọi là “tù nhân lương tâm” kia thực chất là những kẻ chuyên núp dưới bóng “dân chủ”, “nhân quyền” thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Đương nhiên, vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, trừng trị. Thông qua cái gọi là “tù nhân lương tâm”, Lena Rorbach mà đứng sau là Tổ chức Ân xá quốc tế đã cố tình cổ xúy cho những kẻ phạm tội, tẩy trắng cho các đối tượng này, từ những kẻ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thực hiện những hành vi đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, phản bội lại đồng bào nghiễm nhiên trở thành những người “đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền”, bị chính quyền “đàn áp”, là “nạn nhân của chế độ”. Xin khẳng định lại một lần nữa rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có “tù nhân lương tâm”!

Thứ hai, không có chuyện “ở Việt Nam bị bắt giam vì bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội”. Thực tế, Nhà nước Việt Nam đã có những quy định rất rõ ràng về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin trên không gian mạng. Công dân có quyền được sử dụng các dịch vụ trên internet, trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin; phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội. Cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải do pháp luật quy định và trong khuôn khổ pháp luật. Đồng nghĩa với việc truyền tải thông tin và ý kiến đến người khác là một quyền được tôn trọng. Đương nhiên, đó phải là những thông tin và ý kiến chính xác, lành mạnh, chứ không phải là những “thông tin và ý kiến” xấu, độc, phục vụ cho mục đích chính trị xấu xa, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác của những kẻ cơ hội chính trị, phản động. Hành động của những kẻ ngông cuồng, nuôi ảo tưởng về “quyền lực”, muốn làm “người hùng”… trên các trang mạng xã hội, thông qua việc kích động, lôi kéo người dân chống phá Nhà nước, gây rối trật tự, hạ thấp uy tín của cơ quan công quyền… thì cần phải bị trừng trị thích đáng để làm hồi chuông cảnh tỉnh cho những kẻ ngây thơ nghĩ rằng môi trường ảo thì… không thể tạo ra hậu quả thật!

Từ những điều trên, có thể thấy, Tổ chức Ân xá quốc tế và những cá nhân trong tổ chức này ngày càng bộc lộ sự thiếu thiện chí, nếu không muốn nói là thù địch với Việt Nam. Tự do ngôn luận đã trở thành lý do, công cụ để Tổ chức Ân xá quốc tế tìm cách vu khống, làm cho các tổ chức quốc tế nhìn nhận sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, thông qua đó, hạ bệ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Hành vi này là không thể chấp nhận được và cần phải bị lên án!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.