Chống ‘virus diễn biến hòa bình’: Phải từ cái tâm lương thiện

Tôi khá bất ngờ khi đọc trên mạng xã hội và một số báo nước ngoài, kể cả báo của một bộ phận Việt kiều bàn về Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/3/2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Bất ngờ vì các tác giả cho rằng Chỉ thị 16 làm cho người dân hiểu đó là lệnh phong tỏa toàn quốc, đó là lệnh cách ly toàn xã hội, gây hoang mang và làm xáo trộn cuộc sống người dân, làm đình trệ sản xuất, kinh doanh. Thậm chí có người nói Việt Nam ban hành Chỉ thị 16 là do lúng túng, mất phương hướng chống đại dịch.

Tranh cổ động phòng chống Covid-19. Tác giả Lê Thuận Long.

Việc Chính phủ Việt Nam chủ động ngay từ đầu để chống dịch Covid-19 đã có những kết quả nhất định. Ai cũng biết số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Việt Nam rất thấp so với nhiều nước, và đến ngày 11/4 chưa có ai tử vong. Tôi nghĩ, đội ngũ thầy thuốc chắc là không khẳng định Việt Nam đã chống dịch Covid-19 thành công nhưng với kết quả như vừa nêu, là rất đáng ghi nhận.  Kết quả đó có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi thì có hai nguyên nhân chính, đó là ngay từ khi virus SARS-CoV-2 lan ra ở Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã thấy đó là một nguy cơ nên đã cùng Bộ Y tế đưa ra những biện pháp chính xác để chống dịch; đó là nhân dân tin vào các biên pháp chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế, tin vào đội ngũ thầy thuốc nước nhà.

Theo dõi cách chống đại dịch Covid-19 trên thế giới, tôi thấy chỉ có bốn cách. Một là cách ly triệt để để điều trị những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, hai là đưa người có nguy cơ nhiễm bệnh cao vào các khu cách ly, ba là cách ly khu vực trên diện rộng hoặc hẹp tùy vào số người bị nhiễm bệnh và đóng cửa trường học, bốn là cách ly xã hội để chống dịch lây lan ra cộng đồng. Việt Nam đã áp dụng cách một, hai, ba ngay từ ngày đầu và kết quả thế nào, ai cũng biết. Riêng cách thứ tư: cách ly xã hội áp dụng từ ngày 1/4 thông qua Chỉ thị 16, trước mắt là trong vòng 15 ngày.  

Ngay khi ban hành Chỉ thị 16, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu và được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải ngay, đó là bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết, và phải đeo khẩu trang. Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… được tiếp tục hoạt động. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình…

Như vậy thì không thể nói Chỉ thị 16 là “phong tỏa toàn xã hội”, là “mọi hoạt động kinh tế sẽ bị đình trệ”, là “sai sót về từ ngữ, mâu thuẫn giữa cách dùng từ và nội dung gây hoang mang, khó hiểu cho dân chúng và chính quyền các cấp”, làm cho “người dân đổ xô vào chợ và siêu thị để vét hàng hóa tích trữ trước giờ cách ly, tạo ra nguy cơ lây nhiễm”. Những người cho rằng Chỉ thị 16 thể hiện “sự lúng túng”, “bất nhất” của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống dịch Covid-19 là hiểu sai và có thể cố tình “bới vết tìm sâu” để phủ định thành quả chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.

Khi thấy Chính phủ Việt Nam chưa có những gói hỗ trợ về tài chính cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trên một số báo và đài phát thanh nước ngoài, trong đó có ngôn luận của một đối tượng và một số bài viết trên mạng xã hội, cho rằng Việt Nam đang đói nghèo thì lấy đâu ra tiền. Họ phân tích “đói nghèo là do các tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ mà lại độc quyền, dẫn đến kềm hãm sự phát triển kinh tế tư nhân, và ngân sách cạn kiệt do để xảy ra tình trạng nhóm lợi ích và quan tham bòn rút tiền đóng thuế của dân, đồng thời đầu tư công không hiệu quả”.

Phải khẳng định, hiện nay Việt Nam không còn là nước đói nghèo. Dân đói là hoàn toàn bịa đặt. Nước nghèo thì chỉ đúng một phần nhỏ khi nhìn vào cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và vùng nông thôn, miền núi xa xôi, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân chưa được cải thiện nhiều. Việt Nam đang cố gắng vượt qua bẫy thu nhập trung bình để phát triển và GDP hằng năm tăng vào loại cao của thế giới.

Nói Việt Nam kìm hãm sự phát triển kinh tế tư nhân lại càng sai, vì Việt Nam đang phấn đấu đạt 1 triệu doanh nghiệp, trong đó khẳng định doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển nền kinh tế. Tình trạng lợi ích nhóm và tham những là có thật nhưng đang bị đẩy lui và giảm rõ rệt. Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách thủ tục hành chính triệt để để người dân và doanh nghiệp dễ dàng làm ăn, để hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực xã hội.

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 41/2020, theo đó từ ngày 8/4, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng và tiền thuê đất trong 5 tháng lên tới 180.000 tỷ đồng, trong đó 98% doanh nghiệp sẽ thuộc diện giãn thuế và tiền thuê đất. Ngày 10/4, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, có 20 triệu người sẽ được nhận hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ gói 62.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể các gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hoặc không lãi suất từ hệ thống ngân hàng trong và ngoài nhà nước cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 đã được triển khai.

Vậy nhưng những người thiếu thiện chí cho rằng số tiền ấy có thấm tháp gì so với các gói cứu trợ doanh nghiệp và người dân ở các nước bị ảnh hưởng bởi sát thủ vô hình là con virus SARS-CoV-2, như Thủ tướng Úc đã tăng gấp đôi trợ cấp thất nghiệp cho công dân trong 6 tháng là 14 tỷ USD, Chính phủ Pháp huy động hơn 300 tỷ euro hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp; Chính phủ Anh tung ra 330 tỷ bảng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và người thu nhập dưới trung bình; gói cứu trợ khẩn cấp mà Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị cung cấp cho doanh nghiệp dự kiến 4.000 tỷ USD và các hộ gia đình Mỹ sẽ được nhận trực tiếp 1.000 USD/người lớn và 500 USD/trẻ em và dự kiến cung cấp hơn 100 tỷ USD cho các bệnh viện đang đứng trước nguy cơ quá tải số bệnh nhân mắc Covid-19; Nhật Bản bơm 14,2 tỷ USD vào thị trường nhằm kích thích tài chính; Singapore có gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp 38 tỷ USD…

Rồi họ đặt câu hỏi: “Nhìn vào những khoản trợ cấp xã hội và cứu nguy kinh tế mà các nước tung ra để hỗ trợ người dân, người Việt có suy nghĩ gì?”. Cách dẫn chứng và cách đặt câu hỏi như vậy là người ta cố tình quên quy mô của mỗi nền kinh tế hay là cách chê bai, bài bác những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân Việt Nam?

Đại dịch Covid-19 là thảm họa của nhân loại, nhìn nhận cách đối phó, cách ứng cứu doanh nghiệp và người dân ở mỗi nước phải từ cái tâm lương thiện thì mới công bằng, mới thấu tình đạt lý.

(daidoanket.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *