QUYỀN DÂN TỘC TỰ QUYẾT VÀ QUYỀN CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ LÀ KHÔNG THỂ ĐÁNH ĐỒNG!

Thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá ta. Trong đó, một trong những thủ đoạn nham hiểm mà chúng thường xuyên sử dụng đó là cố tình đánh đồng khái niệm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của dân tộc thiểu số” để kích động đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đứng lên đòi “quyền dân tộc tự quyết”, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc; kích động các dân tộc thiểu số chống lại chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội…

Ở trong nước, chúng lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai, những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; lợi dụng sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc, trình độ dân trí của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp để vu khống, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử, đàn áp người dân tộc thiểu số”, ép người dân tộc thiểu số phải “bỏ đạo, bỏ văn hoá dân tộc”… để kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số biểu tình, bạo loạn đòi “quyền dân tộc tự quyết”, thành lập những cái gọi là “Nhà nước Tin lành Đề-ga”, “Vương quốc Chămpa”, “Vương quốc Mông”… qua đó nhằm hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Song song với đó, chúng còn tìm cách mua chuộc, lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép, gây mất ổn định chính trị, xã hội; tăng cường “quốc tế hóa” vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tạo sức ép từ bên ngoài qua đó hòng tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Cùng với việc vận động một số cá nhân, tổ chức mang danh quốc tế, thiếu thiện chí với Việt Nam gây sức ép yêu cầu Nhà nước Việt Nam phải trao quyền “dân tộc tự quyết” cho người dân tộc thiểu số, các tổ chức phản động lưu vong, như: “Hội người Mông thế giới”, “Hội người Thượng Đề-ga”, “Nhà nước Đề-ga độc lập”… cũng tổ chức các hoạt động ủng hộ các đối tượng trong nước gia tăng các hoạt động phá hoại quyết liệt hơn.

Quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số cần được hiểu cho đúng

Khoản 2, Điều 1, Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 ghi rõ “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hòa bình thế giới”; Điều 2, Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, 1960 (Được thông qua theo Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 1/4/1960 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc) cũng nêu rõ: “Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”. Như vậy, khái niệm “dân tộc” ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng là quốc gia dân tộc, chứ không thể hiểu là nhóm dân tộc thiểu số.

Về khái niệm “quyền dân tộc thiểu số”, Điều 2, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1948 nêu cụ thể: “Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác” và Điều 27, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 cũng ghi: “Ở những quốc gia có nhiều nhóm thiểu số về sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ”. Điều đó có nghĩa là người dân tộc thiểu số có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội như những người thuộc dân tộc đa số trong xã hội, hoàn toàn bình đẳng và không có sự phân biệt đối xử.

Có thể thấy, quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số có nội hàm hoàn toàn khác nhau. Đối với quyền của dân tộc thiểu số, chủ thể hưởng thụ quyền là các dân tộc thiểu số trong một quốc gia. Quốc gia đó có trách nhiệm bảo đảm cho các dân tộc thiểu số trong quốc gia mình được hưởng thụ quyền dựa trên điều kiện đặc thù của mình. Còn chủ thể quyền dân tộc tự quyết là quốc gia – dân tộc chứ không phải là bất kỳ một dân tộc nào trong quốc gia – dân tộc đó. Trong mỗi quốc gia có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, tất cả các dân tộc này cùng hợp thành một dân tộc chung nhất, đồng nghĩa với nhân dân và mang tên gọi của đất nước mình. Pháp luật quốc tế không cho phép một dân tộc thiểu số ở một quốc gia được ly khai, thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, đoàn kết, hòa thuận trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân là quyền của tất cả nhân dân Việt Nam, không phân biệt họ là dân tộc thiểu số hay đa số. Quyền con người thuộc mọi dân tộc thống nhất giữa quyền cá nhân và quyền tập thể cộng đồng dân tộc được đặt chung trong quyền của quốc gia – dân tộc. Điều 5, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.”; đồng thời, tại Điều 11, Hiến pháp năm 2013 cũng nhấn mạnh: “1. Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. 2. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.”. Việc các thế lực thù địch, phần tử cơ hội cố tình đánh đồng quyền dân tộc tự quyết và quyền của dân tộc thiểu số là thủ đoạn không mới, nhưng rất nguy hiểm, chúng ta cần nêu cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.