DÂN TỘC VIỆT NAM HOÀN TOÀN CÓ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ VƯƠN MÌNH, PHÁT TRIỂN TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Thời gian gần đây, Đồng chí Tô Lâm – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” trong nhiều bài viết, bài phát biểu quan trọng của mình. Và gần như ngay lập tức, trên các trang mạng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước đã đăng tải nhiều bài viết, thông tin xuyên tạc mục đích, ý nghĩa của thuật ngữ này. Chúng cho rằng đó chỉ là ảo tưởng, tham vọng cá nhân, là khẩu hiệu tuyên truyền, thiếu cơ sở khoa học… Đây rõ ràng là những luận điệu sai trái cố tình xuyên tạc, bóp méo, hiểu sai quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
Như đã biết, kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, văn hóa, chính trị, tự nhiên. Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là: Dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng có ý nghĩa lịch sử. The đó, Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược và có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 8 nước trên thế giới; đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đã hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Với thế và lực đã có được sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Do đó, mục tiêu tổng quát của kỷ nguyên mới chính là: Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Từ những phân tích, dẫn chứng trên cho thấy: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” thể hiện nội hàm sâu sắc, vừa thể hiện ý chí của Đảng, vừa là khát vọng của toàn dân tộc, đó là sự hoà quyện giữa ý Đảng và lòng dân. Vì thế, nó trở thành lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện trong thời gian đến. Đây cũng là lý lẽ, minh chứng phản bác hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị về khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
(Tiều Phu)