ĐỪNG ĐỂ BỊ RU NGỦ BỞI NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI VỀ DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN!
Có thể thấy, trong những năm qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội không ngừng tìm mọi cách để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Một trong những thủ đoạn mà chúng thường sử dụng là thông qua các tổ chức, cơ quan báo chí nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như VOA, RFA, RFI, BBC… để tuyên truyền, phát tán những thông tin quan điểm sai trái, xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, gây chia rẽ, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, phá hoại sự ổn định chính trị, xã hội, cổ súy đa nguyên, đa đảng hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Bài viết “Không thể xiềng xích những cái đầu biết nghĩ Tự do!” của Trần Hiếu Chân do nhà đài RFA đăng tải mới đây là một ví dụ. Trong bài viết này, Trần Hiếu Chân tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc về tự do, nhân quyền ở Việt Nam nói chung, về Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 126/2024/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội của Chính phủ nói riêng, như: “Nghị Định 147 – Bước Thụt Lùi Về Nhân Quyền”, Nghị định 126 sẽ là “công cụ giúp chính quyền quản lý chặt hơn không gian của xã hội dân sự”. Để làm phong phú thêm nhận định của mình, Trần Hiếu Chân dẫn phát biểu của Giám đốc Tổ chức Lao động và Nhân quyền châu Á Phil Robertson rằng “Việt Nam đã trở thành quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong ASEAN, chỉ sau Myanmar” và Josef Benedict – được cho là nhà nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương rằng “Nghị định 126/2024 tăng cường các hạn chế đối với hội nhóm nhằm đảm bảo tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản”… Đây là những luận điệu sai trái, phủ nhận, xuyên tạc nghiêm trọng tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Vậy đâu mới là sự thật?
Sự thật là dân chủ, nhân quyền là những giá trị cao quý của nhân loại mà không có bất kỳ chế độ xã hội hay nhà nước đương đại nào phủ nhận. Tuy nhiên, dân chủ, nhân quyền phải gắn liền với trách nhiệm vì hòa bình, an ninh quốc gia, vì lợi ích dân tộc. Nghị định số: 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực sẽ có tác động lớn tới việc nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân sử dụng Internet, giảm thiểu thông tin sai lệch, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và trật tự xã hội. Khi tài khoản được xác thực thông tin, bắt buộc người dùng phải ý thức, cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận vì gắn liền với trách nhiệm cá nhân trước pháp luật và cộng đồng về những nội dung thông tin công bố hoặc hoạt động tương tác của bản thân trên mạng. Còn Nghị định số 126/2024/NĐ-CP có những điểm mới với các quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện thành lập, cơ sở dữ liệu về hội, thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội, chức trách, nhiệm vụ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, quản lý tài chính, tài sản, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội, trách nhiệm quản lý nhà nước của từng Bộ, ngành, UBND địa phương liên quan… nhằm đảm bảo các hội được thành lập, quản lý một cách có bài bản, hệ thống, chuẩn hóa theo quy định, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của xã hội và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng.
Sự thật nữa là Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013, gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với xã hội. Khoản 1, Điều 8, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định rõ “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”. Vì vậy, mọi hoạt động của bất kỳ tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Có nghĩa là, dân chủ đi liền với kỷ cương và được thể chế hóa bằng pháp luật; tự do phải đi cùng với trách nhiệm, bảo đảm chuẩn mực, nguyên tắc pháp lý, đạo đức xã hội… Do vậy, cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tại Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của người dân có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo đúng chuẩn mực Công ước quốc tế về nhân quyền. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ để hành xử phù hợp, đừng để bị ru ngủ bởi những luận điệu sai trái về tự do, nhân quyền, trở thành con rối bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng giật dây, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và phải trả giá bằng chính tự do thực sự của bản thân!
(HX)