NGHỊ ĐỊNH 168 CỦA CHÍNH PHỦ GÓP PHẦN NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH CHO NGƯỜI THAM GIA GIAO THÔNG
Có thể thấy, sau hơn 01 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (NĐ 168) của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe”, tình hình văn hóa tham gia giao thông của người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Những hành động vượt đèn đỏ, tín hiệu giao thông, quay đầu xe, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên đường cao tốc, đi xe gắn máy vào đường cao tốc… đã giảm hẳn; dư luận xã hội đa số người dân đồng tình, tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng mức phạt quá cao so với thu nhập của người dân, nhất là tình trạng hệ thống đèn tín hiệu giao thông còn không ổn định, không theo kịp NĐ 168…
Lợi dụng các ý kiến này, một số đài, báo phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam như RFA, RFI, VOA … đã phát tán các bài viết xuyên tạc rằng “Nhà nước không quan tâm đến việc nâng cấp đường sá mà chỉ chú trọng vào phạt”; “Nhà nước không nên tước quyền tham gia giao thông của người dân. Mặc kệ dân ra sao thì ra, sống sao thì sống, liệu có còn là chính quyền ‘của dân, do dân, vì dân’ không?” … Có thể thấy đây là những luận điệu hoàn toàn sai trái, cố tình vẽ ra một màu xám xịt về bức tranh giao thông của Việt Nam để công kích NĐ 168 của Chính phủ. Cần nhớ rằng, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “Việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, trong đó giao thông là một trọng tâm, đặc biệt là các hạ tầng giao thông trọng yếu”. Nhà nước luôn khẳng định rằng giao thông đường bộ là “xương sống” của nền kinh tế và đang nỗ lực không ngừng để phát triển lĩnh vực này… Từ năm 1998 đến nay, Việt Nam đã xây dựng hơn 2.000 km cao tốc, và theo kế hoạch đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km, với mục tiêu đến năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc. Hệ thống giao thông đường bộ đang ngày càng được cải thiện với nhiều công trình hiện đại và quan trọng đã được đưa vào khai thác. Từ năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới giao thông dự kiến lên tới khoảng 900.000 tỷ đồng đến năm 2030. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng trong các khu đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tình trạng kẹt xe và tắc đường vẫn đang là vấn đề nan giải. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do ý thức tham gia giao thông của người dân, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ và mật độ dân cư quá cao.
Về luận điệu cho rằng “Nhà nước không nên tước quyền tham gia giao thông của người dân” là sự quy chụp, vu khống hết sức thô thiển. Không bao giờ có chuyện Nhà nước tước quyền tham gia giao thông của công dân. Quyền tự do đi lại của người dân là một trong những quyền cơ bản được ghi nhận tại Điều 23, Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, quyền này cũng như các quyền tự do khác phải tuân thủ pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Do đó quyền tự do đi lại có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, và sức khỏe cộng đồng. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng luật giao thông, người lái xe có thể bị trừ điểm hoặc thu hồi giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng, tùy theo mức độ vi phạm, nhằm mục đích răn đe và giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông.
Với những quy định nghiêm khắc của NĐ 168 sẽ tạo ra thói quen tốt cho người dân khi tham gia giao thông. Rõ ràng, để lập lại trật tự đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe, tương xứng với vi phạm, nhất là các hành vi cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông; từ đó, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mang đến sự an toàn cho người tham gia giao thông. Việc tăng mạnh mức phạt mới đầu có thể còn gây những phân tâm, băn khoăn của một bộ phận người dân, song đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ chính cuộc sống, tính mạng, sức khoẻ và tài sản của mỗi người. Không nên để tác động của các luận điệu sai trái làm ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
(BBT)