Đừng dễ dãi với đối tác… ảo

Công nghệ thông tin bị kẻ xấu lợi dụng vào mục đích trục lợi, chuyện rất cũ nhưng danh sách nạn nhân mới vẫn cứ nối dài. Người quen của tôi vừa bị mất sạch hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cũng chỉ vì tin theo hướng dẫn từ một Email mạo danh ngân hàng gửi đến. Chị tin là do vừa nhìn qua, địa chỉ của Mail này rất giống với ngân hàng chị đang có tài khoản.

Ảnh minh họa.

Thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi. Tên miền được tạo dựng gồm đủ các ký tự và sắp xếp cũng đúng theo thứ tự, như những gì chị thường nhận được từ ngân hàng. Khi cơ quan chức năng tiếp nhận đơn trình báo của chị, cán bộ thụ lý chỉ cho chị thấy trong địa chỉ Email có chèn một dấu chấm giữa hai ký tự. Đồng nghĩa với đây là một thứ “hàng giả”, mạo danh ngân hàng. Người dùng ít ai xem kỹ nên không phát hiện ra dấu chấm lạ này.

Tương tự là một người có con đang du học, ngày nào cũng “chat” với con. Vợ chồng anh không để ý có tin nhắn yêu cầu chuyển tiền gấp vào đúng giờ lẽ ra con anh đang ngủ. Chuyển tiền xong đến sáng hôm sau hỏi lại con đã nhận được chưa, lúc ấy cả gia đình anh mới biết bị lừa. Việc tạo ra tài khoản giả nhưng “giống như đúc” tài khoản thật cũng là chiêu trò được kẻ gian sử dụng khá thành thạo.

Kẻ giấu mặt hay tung đòn quyết định vào thời điểm người dân ít khi muốn gọi điện xác minh. Vậy nên tỉ lệ người cảnh giác, phát hiện được ý đồ của tội phạm lợi dụng công nghệ cao rất thấp. Việc thông báo tài khoản trên mạng xã hội bị mạo danh hoặc “hack” Facebook, cho bạn bè biết sớm sẽ tránh được rủi ro.

Mùa giãn cách xã hội chính là khoảng thời gian đối tượng lừa đảo trên không gian mạng ráo riết hoạt động. Nhiều người tuần nào cũng nhận được thông báo trúng thưởng xe tay ga đắt tiền. Đối tượng gửi đường link, hướng dẫn đăng nhập và đặc biệt không bao giờ thiếu yêu cầu cung cấp mã OTP, số tài khoản ngân hàng… để làm thủ tục nhận thưởng. Chỉ cần người dùng làm theo, tất cả tiền đang có trong tài khoản sẽ “bốc hơi”.

Sự tinh vi của kẻ lừa đảo còn thể hiện ở việc chúng đưa ra những lý do rất mang tính “thời sự”. Dịp sinh nhật, người dân hay nhận được tin nhắn gửi quà tặng. Ngày lễ, Tết sắp đến thì thông báo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Vì thế, tránh “dễ dãi” khi để lộ thông tin cá nhân trong tương tác trên mạng là điều cần nhớ.

“Vay nóng” trong mùa dịch cũng là nhu cầu có thật. Những kẻ chuyên cho vay nặng lãi qua ứng dụng (app), soạn hợp đồng điện tử yêu cầu người cần vay xác nhận. Ngoài chuyện chúng được phép truy cập danh bạ còn có không ít phụ nữ trẻ phải gửi “clip nóng”, khỏa thân mới được “giải ngân”. Bắt đầu từ đây, người vay tiền phải cầm dao đằng lưỡi”.

Chậm nộp tiền lãi vài ngày là người thân có trong danh bạ điện thoại bị khủng bố tinh thần, tạo áp lực từ nhiều phía nhằm thúc ép con nợ phải trả gấp. Những clip sex sẽ được tung ra khiến chủ nhân không thể chậm trễ khi thanh toán nợ nần.

Có tác dụng gây hoang mang, lo lắng cho người dùng nhất vẫn là tin nhắn thông báo “thẻ hoặc tài khoản của bạn đang bị sử dụng ở nước ngoài”. Vậy nên, để xác nhận không liên quan, chủ thẻ phải thao tác theo hướng dẫn. Khi ấy, tất nhiên mọi thông tin cá nhân, mật khẩu và tất cả tiền trong tài khoản sẽ tự động “chạy” sang tài khoản khác.

Vai trò của nhà mạng, ngân hàng là không thể thay thế trong việc lập “phòng tuyến” từ xa, phát hiện kẻ lạ mặt đột nhập với ý đồ xấu, nhắc nhở khách hàng thận trọng với thông tin lạ. Đường dây nóng của các ngân hàng hoạt động 24/7 nên gọi đến bất cứ lúc nào để xác minh khi cần thiết.

Người dùng mạng xã hội không nên dễ dãi với chính mình và cả người quen. Nên nhớ mã OTP là “bất khả xâm phạm”, tuyệt đối không cung cấp cho bất kỳ ai. Trước khi chuyển khoản đều phải gọi điện trước dù đó là người nhà, tránh “tiền mất, hận mang”.

CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.