Sau khi Hạnh bị bắt, một số báo nước ngoài, trang mạng xã hội đã đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc rằng Hạnh bị bắt là do chính quyền Việt Nam “đàn áp dân chủ”, do “từng tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội”…Thậm chí, một số trang mạng còn ngợi ca Hạnh là người hết mình vì các “tù nhân lương tâm”, “người truyền cảm hứng”…Nhưng sự thật về đối tượng này không như những lời hoa mỹ đó.

“Hành nghề” dân chủ

Theo thông tin từ cơ quan An ninh điều tra-Công an TP Hà Nội, Nguyễn Thúy Hạnh sinh năm 1963 và có hộ khẩu thường trú tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Trên facebook cá nhân, Nguyễn Thúy Hạnh đưa rất nhiều thông tin hoạt động “từ thiện” dành tặng cho “tù nhân lương tâm” và người thân trong gia đình những kẻ bị bắt về tội danh tuyên truyền chống nhà nước đã bị tòa án các cấp xử phạt và đang thụ án.

Từ năm 2011, Hạnh đã tham gia tích cực vào nhiều hoạt động tụ tập đông người trái phép, những cuộc biểu tình dưới danh nghĩa “yêu nước”, “chống Trung Quốc”. Sau vài lần bị xử lý hành chính, Nguyễn Thúy Hạnh nhanh chóng trở thành một biểu tình viên tích cực và “chuyên nghiệp” của cái gọi là “làng” dân chủ ở Việt Nam. Hạnh tham gia vào nhiều hoạt động như cafe nhân quyền, biểu tình đòi thả tự do cho những đối tượng vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng trước cổng các cơ quan nhà nước, biểu tình phản đối chặt cây xanh…

Hạnh còn viết bài trên facebook về các sự việc tiêu cực để quy chụp, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương; viết bài biện hộ cho Việt Tân. Đã nhiều lần Hạnh bị cơ quan công an mời lên làm việc, nhiều lần bị xử phạt hành chính.

Hạnh cũng tham gia vào rất nhiều những hội nhóm mang danh xã hội dân sự để hoạt động chống phá như Hội dân oan, mạng lưới blogger Việt Nam, hội phụ nữ nhân quyền, Hội nhà báo độc lập… Ngoài ra, Hạnh còn tích cực trả lời phỏng vấn các đài báo phản động ở hải ngoại với nhiều nội dung xuyên tạc.Tháng 12-2019, Nguyễn Thúy Hạnh được tổ chức Việt Tân trao giải thưởng Lê Đình Lượng. Hạnh đã 3 lần bị lực lượng chức năng của Việt Nam xử phạt hành chính về hành vi tụ tập trái phép và biểu tình trái phép.

Lập quỹ để hoạt động chống phá đất nước

Năm 2016, Nguyễn Thúy Hạnh đã tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội khóa XIV với tuyên bố cương lĩnh tranh cử để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hay quyền giới phụ nữ, người yếu thế. Nhưng kỳ thực trên facebook cá nhân Hạnh thổ lộ với cộng đồng là lợi dụng việc này để “đòi quyền tự do đã mất”, chống lại thể chế chính trị “độc tài”, đấu tranh đòi đa nguyên đa đảng để “Đảng Cộng sản Việt Nam phải trả lại quyền lực cho dân tộc”.

Thế nên, ngay từ quá trình làm hồ sơ ứng cử Hạnh đã tích cực cập nhật tình hình lên facebook cá nhân với nội dung tố cáo chính quyền gây khó dễ cho những người tự ứng cử thông qua việc không làm theo yêu cầu của hồ sơ. Khi cơ quan chức năng hướng dẫn bổ sung hồ sơ thì Hạnh lại xuyên tạc thành gây khó dễ cho người tự ứng cử. Ảo tưởng nữa là, Hạnh tự tổ chức “hội nghị cử tri” ở công ty nước ngoài do Hạnh làm đại diện miền Bắc và thu được 100% ủng hộ của cử tri là nhân viên công ty bằng biểu quyết giơ tay mà không có sự chứng kiến từ Hội đồng bầu cử nơi nộp hồ sơ ứng cử ở Hà Nội. 

Tiếp đó, Nguyễn Thúy Hạnh lập ra quỹ “tù nhân lương tâm” có tên gọi “50K” không đúng quy định của pháp luật hiện hành và duy trì hoạt động nhằm tài trợ, cổ vũ những kẻ bất đồng chính kiến, chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điều đáng lưu ý là Hạnh đã sử dụng tiền để mua các tài liệu, cuốn sách xuất bản chui ở nước ngoài do Phạm Đoan Trang viết rồi tặng cho các con nhang đệ tử của phong trào dân chủ ở trong nước. Nhiều người nghi ngờ và đặt câu hỏi, có dấu hiệu các tổ chức khủng bố ở nước ngoài như Việt Tân lợi dụng, để gửi tiền tài trợ vào quỹ “50K” một cách tinh vi, tài trợ, thúc đẩy các đối tượng chuyên hoạt động dân chủ bất hợp pháp ở trong nước quấy phá. 

Báo Nhân Dân từng có bài vạch trần chân tướng các quỹ nhân danh “dân chủ” trong đó có quỹ của Nguyễn Thúy Hạnh. Hàng loạt thứ quỹ với những cái tên mỹ miều như “bầu bí tương thân”, “lương tâm”, “hiệp hội thiện nguyện vì dân”, “50k”… và Hạnh đã lợi dụng để quyên tiền. Hạnh còn vẽ ra nhiều thứ quỹ khác như: “Quỹ quà tết”, “quỹ sách giáo khoa”, quỹ cho “Lê Anh Hùng”, “Phan Rí”… Chỉ trong tháng 9 và tháng 10-2020, quỹ này đã huy động được số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. 528 triệu đồng là số tiền mà Nguyễn Thúy Hạnh đã kêu gọi được sau 3 ngày phát động từ các cá nhân trong và ngoài nước nhân lợi dụng sự việc Đồng Tâm. Ngoài một số tài khoản ghi nội dung phúng điếu, có nhiều tài khoản có lời lẽ kích động, ca ngợi số chống đối tại Đồng Tâm…Dư luận cũng đặt câu hỏi có hay không sự liên quan giữa các quỹ này và việc nhiều năm nay, vợ chồng Hạnh không hề có công ăn việc làm cụ thể, nhưng vẫn khoe trên mạng xã hội là đang sở hữu nhiều căn hộ cao cấp cùng tài sản giá trị khác. Hạnh cũng từng bị các đối tượng khác kiện vì thiếu minh bạch trong sử dụng những nguồn quỹ.

Việc tự lập quỹ “50K” của Nguyễn Thúy Hạnh đã vi phạm các quy định của pháp luật, trong đó có Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện có nêu rõ người lập quỹ phải có hồ sơ với chương trình cụ thể về việc lập quỹ, huy động nguồn quỹ và sử dụng quỹ rồi trình cơ quan chức năng xem xét, cấp phép. Đặc biệt, tại Điều 9, Nghị định 93 đã đưa ra 6 nội dung các hành vi bị nghiêm cấm trong lập quỹ như: Làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc; rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động trái pháp luật…

Cần xử lý nghiêm minh

Việc Nguyễn Thúy Hạnh sử dụng tài khoản quỹ “50K” hỗ trợ cho các đối tượng ở Đồng Tâm là hành vi vi phạm nghiêm trọng. Vì thế, ngày 17-1-2020, Bộ Công an đã phát thông báo về việc phong tỏa tài khoản ngân hàng liên quan đến vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm. Theo đó, qua công tác điều tra vụ án giết người; tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm; Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội phát hiện một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tài trợ tiền cho các đối tượng có liên quan trong vụ án. Để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ khủng bố, cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan. Trong số này có tài khoản mang tên Nguyễn Thúy Hạnh.Đại tá Phan Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho biết: “Qua theo dõi cho thấy, có rất nhiều đối tượng trong và ngoài nước trong đó có một số đối tượng tổ chức khủng bố Việt Tân đã chuyển tiền vào tài khoản của Nguyễn Thúy Hạnh. Để kịp thời ngăn chặn, ý đồ của các đối tượng, Bộ Công an đã tiến hành phong tỏa tài khoản của Nguyễn Thúy Hạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ mục đích sử dụng số tiền thu được”.

Ngay sau khi Bộ Công an phát đi thông báo trên, các đối tượng phản động như Nguyễn Thúy Hạnh, Huỳnh Ngọc Chênh, Trịnh Bá Phương, Phạm Đoan Trang,… liên tục đăng tải các bài viết cho rằng hành động phong tỏa tài khoản của Bộ Công an là trái pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, thậm chí còn đòi kiện Bộ Công an. Chúng cố tình lờ đi quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 24 của Luật An ninh quốc gia: Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được quyền “yêu cầu cơ quan, tổ chức tài chính, kho bạc, ngân hàng kiểm tra, phong tỏa tài khoản, nguồn tài chính liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia”.

Nhà nước ta đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm mà chỉ có những người vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng pháp luật. Vì thế, việc Nguyễn Thúy Hạnh tích cực hoạt động gây quỹ và ủng hộ cái gọi “tù nhân lương tâm” thực chất là việc làm vô lương tâm, trái cả đạo lý và pháp lý, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia. Những hành vi đó cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Hi vọng cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh và thông tin kịp thời về sai phạm của Nguyễn Thúy Hạnh.

NGUYỄN MẠNH THẮNG/QĐND