Nhận diện “thuyết âm mưu”

Hiện nay, trong đời sống xã hội cũng như trên cộng đồng mạng, chúng ta thường bắt gặp cụm từ “thuyết âm mưu”. Vậy, thuyết âm mưu là gì và bản chất của nó như thế nào mà được nhiều người quan tâm như vậy? Thuyết âm mưu có phải là học thuyết hay là lý thuyết không?

Căn cứ vào những nội dung hàm chứa của học thuyết cần có, “thuyết âm mưu” không phải là học thuyết. Học thuyết phải là những vấn đề được trình bày có hệ thống về một lĩnh vực nào đó như khoa học, chính trị, đạo đức, kinh doanh… Căn cứ vào hệ thống đó mà người đọc, người xem có thể tìm hiểu và nắm được những vấn đề cần có trong chỉ đạo cũng như trong hoạt động.

Xét về lý thuyết, “thuyết âm mưu” cũng không phải là loại chiêm nghiệm có tính hợp lý về cái gì đó, điều gì đó trừu tượng hoặc được khái quát hóa kết quả có được từ những quan sát, ghi nhận diễn ra của sự việc, hiện tượng. Đã nói đến lý thuyết, người ta nghĩ ngay đến quá trình suy nghĩ, chiêm nghiệm có tính chất lý trí được gắn liền với quá trình nghiên cứu, quan sát.

Vậy, thuyết âm mưu là gì? Hiểu một cách ngắn gọn nhất, thuyết âm mưu là cách lý giải những vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo ý kiến chủ quan được gán với một đối tượng nào đó cùng những âm mưu của các thế lực ngầm, giấu mặt đứng đằng sau. Nói đến thuyết âm mưu là nói đến giả thuyết, giải thích theo cách suy diễn cho một đối tượng, một nhóm đối tượng, một tổ chức nào đó gây nên đứng đằng sau một sự việc hay hiện tượng có ảnh hưởng lớn đến chính trị, kinh tế, xã hội. Vì thuyết âm mưu cốt lõi của nó là đưa ra các giả thuyết theo ý chủ quan và hướng suy diễn nên nó còn có cách gọi khác là thuyết ngờ vực.

Thuyết âm mưu luôn gắn liền với giả thuyết theo lối gán tội, suy diễn nên rất dễ làm cho người nghe, người xem thấy hấp dẫn, ly kỳ, dễ liên tưởng đến cái “na ná” nào đó. Cũng chính vì là giả thuyết nên người đọc, người xem có quyền đưa ra các giả thuyết để lý giải theo ý kiến chủ quan của mình. Và đã là giả thuyết, có cái đúng, chưa đúng và không đúng. Chính vì thế, thuyết âm mưu không bao giờ có kết quả “có” hoặc “không”, hoặc “đúng” hay “sai”. Đây chính là yếu tố gây sự chú ý, tò mò, kích thích khả năng suy diễn của mỗi cá nhân. Nó rất dễ đưa người đọc, người xem, người nghe cũng tự cho mình cái quyền tham gia vào các sự việc, hiện tượng bằng các giả thuyết từ trí tưởng tượng của bản thân.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang triển khai mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng; khi các cấp đang chuẩn bị các nội dung cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây chính là cơ hội để thuyết âm mưu có “đất diễn”. Từ những vụ việc xảy ra, Đảng kiên quyết xử lý làm trong sạch nội bộ. Trên những kết quả Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố, các thế lực ngầm, các đối tượng giấu mặt sẽ đưa ra các giả thuyết hướng người nghe, người xem đến trách nhiệm, công tác quản lý, công tác cán bộ rồi từ đó cho rằng, đội ngũ cán bộ đều có thể là những người như thế. Hoặc công tác chuẩn bị đại hội các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Các thế lực ngầm, các đối tượng giấu mặt sẽ đưa ra các giả thuyết nhân sự. Song song với những giả thuyết “như đúng rồi” về nhân sự là những đánh giá nhận xét, thậm chí có những giả thuyết về năng lực, trình độ của từng người. Nếu ai đó đọc, nghe, xem sẽ rất dễ dàng “mắc” vào cách suy diễn rồi cũng từ đó đưa ra các giải thuyết theo ý kiến chủ quan của mình. Khi đã “sa” vào lớp bùng nhùng của “thứ mạng nhền nhện” này rất khó có thể thoát ra được và đó chính là “tự đánh mất” bản thân.

Thuyết âm mưu là có thật và thực sự đang làm cho người xem, người nghe, người đọc rơi vào “mớ bòng bong” của những giả thuyết từ óc suy diễn của những đối tượng giấu mặt theo hướng có lợi cho chúng. Nhận diện và hiểu được bản chất cốt lõi của thuyết âm mưu cũng là cách “tự vệ” tốt nhất đối với cuộc sống xã hội hiện nay. Đó cũng là cách tự xây dựng cho mình là người đọc thông thái trong cả một “rừng” thông tin trên cộng đồng mạng và đời sống xã hội hiện đại.

(Biên Phòng)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.