Không để các vụ án hình sự bị hướng lái “chính trị hóa”
Khởi tố và xử lý kịp thời, đúng người, đúng tội các vụ án hình sự là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển và hội nhập, có nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường, việc xử lý các vụ án hình sự là điều bình thường. Thế nhưng vừa qua, các thế lực thù địch, phản động lại tìm cách lợi dụng, bóp méo, thổi phồng hòng hướng lái “chính trị hóa” các vụ án hình sự. Đây là một trong những thủ đoạn nham hiểm nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta…
Từ đổ cho gen hệ thống, lỗi thể chế
Mới đây, nhân việc cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự một doanh nghiệp tư nhân, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét với một chủ doanh nghiệp để điều tra về tội buôn lậu theo Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015, đã xuất hiện khá nhiều thông tin suy diễn, đồn đoán theo kiểu “thầy bói xem voi” về sự việc. Dù đây chỉ là một vụ án hình sự được thông tin khá rõ ràng, đầy đủ trên báo chí nhưng “lại được” một số phần tử đơm đặt thành vấn đề chính trị. Họ gán ghép vụ án bị khởi tố với nhiều thông tin mang tính cóp nhặt rồi đồn đoán rằng: Đây là những dấu hiệu của việc thanh trừng nội bộ trước Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; và sẽ có nhiều “củi vào lò”. Một số trang báo hải ngoại, vẫn với cái nhìn lệch lạc về Việt Nam đã có bài viết xuyên tạc bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN khi cho rằng, ở Việt Nam, muốn làm giàu phải được “bảo kê” và khi sinh mệnh chính trị của người bảo kê bị lung lay thì số phận của doanh nghiệp cũng rất mong manh. Nhiều bài viết trên mạng xã hội chuyển sang suy diễn, xuyên tạc rằng nhiều doanh nghiệp được “nuôi béo đã tới lúc làm thịt”, do ăn chia với các quan chức bảo kê không sòng phẳng, nên bị trả đũa, rồi đây là “cạnh tranh giữa các nhóm quan chức đang bảo kê với nhau…”. Đó chỉ là những suy diễn lung tung, hoàn toàn trái ngược với thực tế xử lý các vụ án hình sự luôn hết sức chặt chẽ, đúng người đúng tội.
Một vụ án hình sự khác được dư luận quan tâm là vụ Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) luật sư Đoàn luật sư Đà Nẵng, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Nẵng đã bị khởi tố về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015. Đây là sự việc gây bức xúc dư luận xã hội và đã được cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố theo các quy định tố tụng hình sự. Song lợi dụng vụ việc này, nhiều đối tượng cực đoan đã bẻ lái vấn đề sang xuyên tạc hệ thống tư pháp và chế độ XHCN ở Việt Nam. Trang facebook mang tên Phạm Hưng Ngọc, xưng là người hoạt động tại doanh nghiệp bán sản phẩm Trà Xuân cùng một số facebooker đã có nhiều bài viết thổi phồng sự việc khi đòi tẩy chay không ít thương hiệu vì dùng hình ảnh ca sĩ quảng cáo đã từng chụp ảnh chung với nghi phạm dâm ô. Chưa dừng ở đó, họ còn chính trị hóa vụ án, cho rằng, lực cản chống xâm hại tình dục đã trở thành một nguyên do chính trị, xếp ngang hàng với Formosa là do lỗi hệ thống chế độ, “mềm trên biển” là vì ràng buộc xuất phát từ liên hệ giữa hai đảng, bất công xã hội là hệ quả của đặc quyền dành cho đảng viên. Từ đó, facebook Phạm Hưng Ngọc kêu gọi phải có một thể chế dân chủ, để “gọi điện cho dân biểu, rồi kêu gọi người khác cùng làm như thế và đưa sự việc ra… Quốc hội, v.v và v.v.. Từ kiểu suy diễn này, họ chuyển sang công kích Quốc hội chỉ là “chiếc áo choàng dân chủ”…
Đến bôi đen chế độ xã hội chủ nghĩa và kỷ luật Đảng
Xung quanh sự việc này, một số đối tượng lại cố tình xuyên tạc, bóp méo Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm kỷ luật, cho rằng đảng viên quấy rối tình dục chỉ bị khiển trách. Đài Á châu tự do đã có bài viết xuyên tạc “Đảng viên quấy rối tình dục dưới mọi hình thức chỉ bị khiển trách?”. Đài này viện dẫn Điểm c, Khoản 1, Điều 33 Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nếu đảng viên “có hành vi quấy rối tình dục dưới mọi hình thức” mà “gây hậu quả ít nghiêm trọng” thì bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Từ đó suy diễn rằng đảng viên dù vi phạm quấy rối tình dục ở hình thức nào thì cũng chỉ bị khiển trách. Họ cố tình quên rằng, ở Khoản 2, Khoản 3 của Điều 33 còn có thêm các quy định xử lý kỷ luật ở mức cảnh cáo hoặc cách chức, khai trừ khỏi Đảng đối với những trường hợp tái phạm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Mặt khác, quan điểm xử lý của Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ. Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Với tinh thần đó, đảng viên vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh hơn cả công dân bình thường. Song những người thiếu thiện chí đã cố tình cắt ghép các văn bản, xuyên tạc kỷ luật của Đảng.
Tương tự, với vụ án nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia xảy ra ở một địa phương, như: Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn. Đây là những vụ án phức tạp đã và đang được các cơ quan pháp luật điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm minh. Việc công bố danh tính các đối tượng liên quan một phần phụ thuộc quan trọng vào kết quả quá trình điều tra và tuân thủ các quy định của pháp luật. Thế nhưng, lợi dụng sự bức xúc của xã hội, nhiều đối tượng xuyên tạc, bóp méo và cho rằng có sự bao che cho tội phạm. Nhạc sĩ T.K, người gần đây có nhiều bài viết với quan điểm lệch lạc trên một số đài báo hải ngoại đã trắng trợn suy diễn rằng việc nâng điểm chủ yếu xảy ra đối với các đối tượng thi vào ngành công an. T.K hồ đồ lập luận rằng đó là việc “tìm kiếm sự an toàn và bảo đảm sống còn trong một xã hội ngày càng lộ rõ hình thức công an trị” rồi lái sang vấn đề nhân quyền, cho rằng vừa qua Hoa Kỳ chính thức cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị”. Đây là lập luận bóp méo, xuyên tạc hết sức nguy hiểm.
Không để bị đánh lừa
Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin là người đưa ra định nghĩa pháp chế vô sản, là nền tảng lý luận cho chúng ta xây dựng nền pháp chế XHCN ngày nay. V.I.Lênin viết: “Tính nghiêm minh của pháp luật hoàn toàn không phải ở chỗ hình phạt đó phải nặng, mà ở chỗ phạm tội thì không thoát khỏi bị trừng phạt”. Kế thừa tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng xây dựng nền pháp chế XHCN ở nước ta. Đó là một chế độ đặc biệt của đời sống chính trị-xã hội, trong đó tất cả cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang, nhân viên Nhà nước và mọi công dân đều phải tôn trọng và thực hiện Hiến pháp, pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để, chính xác. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tập thể, của công dân đều bị xử lý theo pháp luật. Trong bài viết về đạo đức công dân, tiêu chuẩn đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là: “Tuân thủ pháp luật của nhà nước”. Điều đó vẫn còn nguyên tính thời sự khi chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, đòi hỏi mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật một cách nghiêm minh và thượng tôn pháp luật.
Trong nền pháp chế ấy, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự của chúng ta cũng ngày càng hoàn thiện, mọi vụ án hình sự đều phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy, việc xuyên tạc, bóp méo, bẻ lái các vụ việc đơn lẻ thành những vấn đề chính trị, đao to búa lớn để chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ chế độ XHCN thực chất chính là hành vi sai trái cả về pháp lý và đạo lý, cần phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.
Đây là những thủ đoạn nham hiểm mà chúng ta cần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, làm thất bại. Đối với chính quyền và các cơ quan pháp luật, việc xử lý nghiêm minh, công khai và thông tin đầy đủ, kịp thời về các vụ án hình sự, nhất là các vụ án tham nhũng, tiêu cực được dư luận quan tâm sẽ là vũ khí mạnh mẽ đẩy lùi mọi thông tin xuyên tạc. Đối với mỗi người dân, sự quan tâm đến tình hình thời cuộc, đến các vụ án hình sự là chính đáng nhưng phải dựa trên cơ sở thông tin chính xác, khoa học, đồng thời phải tỉnh táo, tránh bị lôi kéo, kích động, đánh lừa bởi thông tin giả, bởi những âm mưu đen tối.