Thành tựu trong công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là không thể phủ nhận!
Với mưu đồ, rắp tâm chống phá Việt Nam, những năm qua, các phần tử cơ hội, thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo hòng can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam. Bất chấp thực tế sôi động trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo đang diễn ra ở Việt Nam, các tổ chức, cá nhân này đã cố tình can thiệp sâu vào tình hình tự do nhân quyền cũng như tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo và cố chụp “bộ cánh tự do tôn giáo” mang màu sắc phương Tây lên Việt Nam. Điều này là hoàn toàn sai trái, không thể chấp nhận được! Thực tế thì sao?
Thứ nhất, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Điều 24 Hiến pháp ghi rõ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định, hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hơn nữa, cần phải thấy rằng, không thể có tự do tôn giáo tuyệt đối. Bởi xét về bản chất, tôn giáo là một tổ chức tập hợp những người tin theo một đối tượng tôn thờ. Mọi tổ chức tồn tại, hoạt động trong xã hội đều phải chịu sự quản lý, giám sát của Nhà nước, tuân thủ quy định của pháp luật, các tôn giáo cũng không ngoại lệ. Điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp và công ước quốc tế. Cụ thể, Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nêu rõ: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Do đó, việc ban hành các văn bản pháp luật để tiến hành quản lý nhà nước đối với các tôn giáo là điều tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam.
Thứ hai, về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo thực tế của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 95% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hàng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội. Trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động, hơn 57,4 ngàn chức sắc, trên 147 ngàn chức việc, khoảng 29.800 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Thành tựu trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam còn được thể hiện qua sự gia tăng số lượng các trường đào tạo chức sắc. Tính đến tháng 4/2022, các tôn giáo ở Việt Nam có 66 cơ sở đào tạo chức sắc với khoảng 10.000 học viên đang theo học, riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 47 cơ sở đào tạo, trong đó có 4 học viện Phật giáo…
Thứ ba, lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện không ít tổ chức núp bóng tôn giáo hoạt động trái pháp luật, trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, mang màu sắc mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi, như “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, “Giáo phái Tân Thiên Địa”, “Ân điển cứu rỗi”, “Cây táo”…. Đối với các hoạt động vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân núp bóng tôn giáo, lực lượng chức năng Việt Nam đã nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý dựa trên quy định pháp luật, hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo.
Từ những điều trên cho thấy, những luận điệu cố tình vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, đàn áp tôn giáo, cho rằng những chính sách tôn giáo của Việt Nam không phù hợp với luật pháp quốc tế là hoàn toàn sai sự thật, vô căn cứ, cần phải bị lên án!
H.X.