Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) lại tiếp tục xuyên tạc về tình hình tự do báo chí ở nước ta

Mang danh là một tổ chức phi chính phủ, tầm hoạt động toàn cầu, nhưng mới đây Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) lại tiếp tục có cách nhìn nhận thiển cận, đánh giá thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Cụ thể, ngày 03/5 vừa qua, RSF lại đưa ra bảng xếp hạng về tự do báo chí thế giới năm 2022, xếpViệt Nam đứng vị trí 174/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức này còn cho rằng: “Truyền thông Việt Nam vẫn bị cho là chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo. Giới phóng viên và các bloggers độc lập thường bị bỏ tù khiến Việt Nam thuộc nhóm bỏ tù nhà báo nhiều nhất đứng hàng thứ ba thế giới”…

Trước hết, cần khẳng định rằng đây là những đánh giá vô căn cứ, phiến diện, thiếu khách quan của RSF về tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam. Thực tế trong những năm qua, quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Đảng và Nhà nước ta bảo đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí và quyền hưởng thụ thông tin của mọi công dân được thực thi trong cuộc sống theo quy định của Hiến pháp, Nhà nước ta đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đều có các quy định về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 chỉ rõ quyền của công dân: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”…

Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận phải luôn đặt trong khuôn khổ pháp luật, không phải là tự do quá trớn, càng không phải muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, làm gì thì làm theo ý muốn chủ quan của chủ thể. Cũng như bất kỳ các quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Nhưng Việt Nam cũng kiên quyết trừng trị những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Qua phân tích trên có thể thấy, thêm một lần nữa cho thấy RSF lại cố tình xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, chà đạp, bôi nhọ pháp luật Việt Nam, cố tình phủ nhận hoàn toàn tình thực tế tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam, không xứng với mục đích, tôn chỉ hoạt động và danh xưng mỹ miều “Phóng viên không biên giới”! Và chỉ có RSF và bọn cơ hội chính trị mới hiểu rõ động cơ thực sự đằng sau những đánh giá phiến diện, không khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam!.

(BVTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.