Không thể phủ nhận kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ngay sau Hội nghị Sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 24/6 vừa qua Thoibao.de đăng bài: “Dù mạnh tay, ông Tổng vẫn thất bại”. Chúng đưa thông tin, bình luận nhằm hạ thấp vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:“Chỉ trong 1 năm qua, đã có đến 2.196 văn bản được các Ban chỉ đạo tham mưu, ban hành, chỉ đạo ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở địa phương. Điều này chứng tỏ các địa phương chống tham nhũng theo chỉ đạo từ bên trên, chứ tự họ thì không làm được. Đây là đặc trưng của loại nhà nước độc tài. Chuyện gì cũng cần có chỉ đạo mới làm, chứ cấp dưới không dám tự quyết”. Tại sao từ số liệu trong Báo cáo sơ kết “2.196  văn bản được các Ban chỉ đạo tham mưu, ban hành …” lại chứng tỏ rằng: “các địa phương chống tham nhũng theo chỉ đạo từ bên trên, chứ tự họ thì không làm được… Chuyện gì cũng cần có chỉ đạo mới làm, chứ cấp dưới không dám tự quyết”. Cái chứng tỏ này của Thu Phương là xằng bậy, vô căn cứ. Phải hiểu rằng, 2.196 văn bản này được các Ban Chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trong cả nước tham mưu, ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTNTC ở các địa phương, chứ không phải 2.196 văn bản này là của Trung ương ban hành để địa phương thực hiện. Và điều này chứng tỏ rằng các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động trong việc tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, sát hợp với thực tế từng địa phương. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, hơn 1 năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng: đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi chỉ đạo; khởi tố mới 530 vụ án/1858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1132 bị can. Hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như trước đây.

Vẫn với mục đích bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam, phủ định vị trí cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội, nên chúng tung ra những luận điệu:“ Đảng Cộng sản không hề trong sạch chút nào, dù chỉ là trong việc nhỏ nhất”; “ Trong giới chức Cộng sản thì nhà nhà tham nhũng, và người người tham nhũng. Không có khái niệm “thanh liêm” trong bộ máy chính quyền Cộng sản”. Từ đó, chúng muốn phá vỡ niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng và chế độ; gây hoài nghi trong nhân dân về đường lối, chủ trương và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Các bồi bút của các tổ chức phản động luôn nhai đi, nhai lại luận điệu xuyên tạc mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ là “cái cớ để triệt hạ phe cánh”, là “đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực”, “vì lợi ích phe nhóm” và  bôi nhọ, vu cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Luận điệu này, trong bài viết thể hiện ở đoạn: “Thời kỳ Ông Nguyễn Tấn Dũng nắm chức Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì ông Dũng đã biến nó thành công cụ để bao che cho nhóm lợi ích mà chính ông cầm đầu. Sau khi giành được chức này, ông Trọng đã đốn rất nhiều củi, quẳng vào lò. Tuy nhiên, ông Trọng chỉ đốn củi “nhà hàng xóm”, còn củi nhà ông, thì ông vẫn giữ. Như vậy, ông Nguyễn Tấn Dũng đã từng giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để bao che cho phe ông, thì sau đó ông Trọng không những bao che cho phe ông, mà ông còn dùng nó để đánh vào phe đối thủ”…

Bài báo đưa ra nhận định rất phản động: “Công tác phòng, chống tham nhũng của ông Trọng cũng chỉ mang lại tên tuổi cho chính ông, chứ nhân dân chẳng được gì”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đã nhìn ra mối nguy cơ của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược, Ông đã phất lên ngọn cờ quyết tâm tiêu diệt bằng được sự tham nhũng, sự lộng quyền, nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, chứ đâu phải nhằm “mang lại tên tuổi cho mình”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sống thật, làm thật và làm tốt phận sự của một công bộc. Ông là người luôn lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Tên tuổi của ông tự đó mà khắc sâu trong lòng người dân, được dân quý,  dân yêu và dân tin tưởng. Còn tại sao “nhân dân chẳng được gì” khi Đảng, Nhà nước thực hiện cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?

Thu Phương cố tình nhắm mắt để không nhìn thấy những cái được của người dân khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nguồn gốc từ yêu cầu, nguyện vọng của người dân và đây là việc có lợi cho dân thì Đảng phải hết sức làm. Vậy, trước hết nhân dân được đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của mình. Ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực thì người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc không bị phiền hà, nhũng nhiễu bởi tình trạng tham nhũng vặt: vòi vĩnh, “gợi ý”, “lót tay”; giảm được nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, cục bộ, “thân quen” thì công tác bố trí, sử dụng cán bộ mới công tâm, khách quan, người có phẩm chất, năng lực được thăng tiến; giảm được tệ ăn cắp, ăn bớt, ăn chặn của công; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác biếu xén, cho tặng, hối lộ thì giảm được sự bức xúc, tức giận của người dân và xã hội trong lành hơn. Qua xử lý các vụ tham nhũng, người dân được trả lại tài sản của mình do bọn tham nhũng đánh cắp (chỉ tính từ đầu năm đến tháng 5/2023 đã thu hồi được khoảng 59.000 tỷ). Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn góp phần quan trọng trong giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Việc loại ra khỏi bộ máy những “con sâu mọt” không những để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, để Nhà nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân mà còn đem lại niềm tin cho nhân dân vào công cuộc đổi mới đất nước…

Bài báo đưa ra đánh giá về kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà không ai chấp nhận được:“Cho đến nay, có thể nói, ông Trọng đã chống tham nhũng có phần thành công, tuy nhiên, đối với việc phòng tham nhũng thì ông Trọng đã hoàn toàn thất bại”. Đánh giá như vậy là vô căn cứ, hoàn toàn sai với thực tế khách quan và chỉ nhằm phủ định sạch trơn kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 – Khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự  suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, của Đảng trong suốt thời gian qua. Đánh giá kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, phải đánh giá trong sự kết hợp chặt chẽ giữa “phòng” và “chống”, trong đó “phòng” là chính, là cơ bản, là chiến lược, lâu dài; “chống” là quan trọng, cấp bách. Muốn “phòng” phải “chống” và “chống” nhằm mục đích “phòng” được tốt hơn. Phòng ngừa tốt sẽ giảm được tham nhũng, tiêu cực. Chống – xử lý tham nhũng, tiêu cực mục đích là để “trị bệnh cứu người”, kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức có quyền. Đánh giá riêng từng mặt “phòng” và “chống” chỉ là tương đối và không đầy đủ, không toàn diện. Thu Phương mới chỉ nhìn được và thừa nhận“có phần thành công” trong việc “chống”. Còn phòng ngừa mà “trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên”, là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài thì cho rằng “ông Trọng đã hoàn toàn thất bại”. Nói về kết quả của của công tác phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực, tức là nói đến kết quả thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XII (việc này đã được Trung ương đánh giá đầy đủ tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII). Tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề làm rõ hơn về kết quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực để phản đối đánh giá “đối với việc phòng tham nhũng thì ông Trọng đã hoàn toàn thất bại” của tác giả bài viết. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã đề ra các nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là căn nguyên, là cái gốc dẫn đến tham nhũng, cần phải phòng ngừa. Thực hiện Nghị quyết, mỗi cán bộ, đảng viên đã theo 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”để tự liên hệ “tự soi, tự sửa, tự gột rửa” những hạn chế khuyết điểm, yếu kém của mình. Từ đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục, góp phần xây dựng cấp ủy, cơ quan, đơn vị đoàn kết, vững mạnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa không để các vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Đảng đã tập trung chỉ đạo vào các khâu còn yếu, khâu khó, đột phá vào những vấn đề mới. Chẳng hạn như: Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Trước hết là cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt và được triển khai thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống; khắc phục được một bước những sơ hở, bất cập trước đây làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Nhất là các quy định về phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; quy định mới về những điều đảng viên không được làm; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu…

Đảng ta đã công khai thừa nhận sai lầm, khuyết điểm, công khai nói rõ những mặt yếu kém, tiêu cực trong Đảng. Trong đó, tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (Đại hội XIII). Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Phát hiện và xử lý tham nhũng một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực hiện đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” để làm cho Đảng ta và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

(Theo https://ivanlevanlan.wordpress.com)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.