KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở VIỆT NAM

Từ ngày thành lập (03/02/1930) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thể hiện nhất quán, liên tục, quyết tâm mạnh mẽ trong thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với những chiến lược rõ ràng, nhất quán và phù hợp với thực tiễn. Giữa lúc dư luận cả nước phấn khởi, tự hào về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; dư luận thế giới đang hoan nghênh, công nhận là một trong mười quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 (trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc) về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao vị thế cho phụ nữ, thì một số đối tượng lại hằn học với kết quả này, cố tình xuyên tạc về bình đẳng giới của Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay cũng với những chiêu bài “cũ rích”, “lạc lõng”, không có căn cứ, các đối tượng chống phá lại sử dụng để xuyên tạc, công kích về quyền bình đẳng giới ở Việt Nam. Trên một số diễn đàn, mạng xã hội họ lu loa Việt Nam vi phạm dân chủ, vi phạm nhân quyền trong bình đẳng giới; vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử với phụ nữ; hay xuyên tạc phụ nữ Việt Nam đang có bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, bất bình đẳng về thu nhập và vị trí việc làm. Bằng luận điệu xảo trá, các thế lực thù địch, phản động đang âm mưu làm cho một bộ phận Nhân dân hiểu không đúng về chính sách bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta. Thực chất đây là những quan điểm sai trái, thù địch để chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền nói chung và xuyên tạc quyền bình đẳng giới nói riêng; chắc chắn, những âm mưu, thủ đoạn phản động đó sẽ bị thất bại.

Bởi lẽ: Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Nam – Nữ bình quyền là một trong mười nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Điều này được ghi nhận trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng” năm 1930. Từ đó đến nay, bình đẳng giới, coi trọng công tác phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội luôn là một trong những mục tiêu chiến lược, lâu dài, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta. Sự quan tâm của Đảng ta đối với công tác bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các kỳ đại hội Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Chủ trương quan tâm bảo đảm bình đẳng giới của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện ở các nghị quyết, chỉ thị và đã được thể chế hóa thành Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Quốc hội ban hành Hiến pháp 2013 khẳng định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”, Luật Bình đẳng giới và có khoảng 45 bộ luật, luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều Pháp lệnh; Chính phủ ban hành hàng ngàn nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 3/3/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. Trên cở sở nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị trong cả nước đều ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bình đẳng giới. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMT Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền các ban ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh Phú Yên đều có văn bản cụ thể hóa, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bộ máy tham mưu, thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới từng bước hoàn thiện và có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Từ góc độ lập pháp, có Ủy ban Xã hội của Quốc hội (trước đây là Ủy ban Các vấn đề xã hội). Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề bình đẳng giới. Ngoài ra, còn có nhiều cơ quan tham mưu về bình đẳng giới như: Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ở các bộ, các ngành và ở các địa phương; chỉ hơn 8 tháng sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03/02/1930), Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập cho thấy sự coi trọng của Đảng và toàn xã hội với vai trò, đóng góp quan trọng của người phụ nữ Việt Nam, nhằm thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ.

Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện bình đẳng giới, bảo đảm tốt các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ tích cực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển bền vững đất nước. Trên lĩnh vực chính trị, để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam đã phê chuẩn nhiều công ước quốc tế và các chương trình nghị sự lớn về thúc đẩy bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 9,5% với số lượng 19 ủy viên gồm 18 nữ ủy viên chính thức và 01 nữ ủy viên dự khuyết; tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh đạt 16%; trong số 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, có tới 151 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%; tham gia Hội đồng nhân dân: cấp tỉnh đạt 29%, cấp huyện đạt 29,2%, cấp xã đạt 28,98 %. Tỉnh Phú Yên,cũng như tất cả các địa phương cấp tỉnh khác luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025, tăng so với các nhiệm kỳ trước: Nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy: 04/16, đạt tỷ lệ 25% (cao hơn so với nhiệm kỳ trước 13,33%); nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: 08/48, đạt tỷ lệ 16,67%; nữ cấp ủy cấp huyện: 68/417, đạt tỷ lệ 16,3%  (cao hơn nhiệm kỳ 2015 – 2020 là 1,99%); nữ cấp ủy cấp xã: 348/1.462, đạt tỷ lệ 23,8% (cao hơn nhiệm kỳ trước là 1,6%); nữ đại biểu Quốc hội khóa XV: 01 nữ/06 đại biểu, đạt tỷ lệ 16,67%; HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026: 14 nữ/50 đại biểu, đạt tỷ lệ 28%; HĐND cấp huyện: 69 nữ/284 đại biểu, tỷ lệ 24,30%; HĐND cấp xã: 717 nữ/2.557đại biểu, tỷ lệ 28,04% (tăng 3,37% so với nhiệm kỳ trước. Trên phương diện kinh tế, phụ nữ đang ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế, góp phần giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Trong tất cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đều có sự cống hiến của nữ giới. Trên phạm vi quốc tế, Việt Nam cũng đã cử các nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Trong gia đình, vai trò và tiếng nói của phụ nữ khi quyết định các vấn đề hệ trọng được khẳng định rõ nét hơn. Đã có nhiều thay đổi tích cực trong quan niệm về người chủ gia đình, về việc sinh con trai hay con gái, về trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên.

Với sự cố gắng bền bỉ trong nhiều năm qua, công tác bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với phụ nữ và việc thực hiện bình đẳng giới. Đây chính là minh chứng hùng hồn bác bỏ và làm thất bại những âm mưu, luận điệu sai trái, xuyên tạc về bình đẳng giới ở Việt Nam.

SNV-BCĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.