KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC NĂM 1979

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc là cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Sự kiện này là một dấu mốc khắc ghi trong lịch sử hằng nghìn năm dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Lợi dụng dịp chúng ta kỷ niệm 45 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/02/1979 – 17/02/2024), các thế lực thù địch, phản động đã tán phát lên không gian mạng nhiều thông tin xuyên tạc, sai sự thật về cuộc chiến tranh vệ quốc này của dân tộc ta. Chúng hô hào một số phần tử chống đối có tên gọi là “giới xã hội dân sự độc lập trong nước ra một “bản tuyên bố chung”, kêu gọi chính quyền Việt Nam “đánh giá đúng lịch sử” sự kiện này, đồng thời phản đối các khẩu hiệu tuyên truyền về mối quan hệ thân hữu giữa hai nước láng giềng”. Ngoài ra, chúng còn đả phá nguyên tắc 4 không của đường lối đối ngoại của nước ta.

Cần khẳng định rằng, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 luôn là biểu tượng sáng ngời về tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ngày 17/2/1979, khi hơn 60 vạn quân Trung Quốc mở cuộc tiến công quân sự quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng, kích động bạo loạn, hạ thấp uy thế quân sự, chính trị của Việt Nam… Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc, một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu anh dũng, kiên cường. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam diễn ra trong vòng một tháng (từ 17/2 – 18/3/1979) nhưng thắng lợi có ý nghĩa to lớn. Quân và dân ta đã làm thất bại hoàn toàn mưu đồ của phía Trung Quốc, khẳng định sức mạnh, ý chí quyết tâm của dân tộc không bao giờ chịu quỳ gối trước bất kỳ thế lực xâm lược nào để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong tình hình mới; phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc và thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình khu vực, thế giới.

Việt Nam gác lại quá khứ, nhìn lại sự kiện lịch sử, định vị về tính chất của cuộc chiến này không phải là để khắc sâu hận thù mà là để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có một vết hằn như vậy để hướng tới tương lai bằng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 đã để lại nhiều bài học quý. Đó là tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc được phát huy cao độ trong cuộc chiến đấu này cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Chủ nghĩa yêu nước đã ngấm vào máu mỗi người dân, tạo thành sức mạnh Việt Nam, thậm chí nó là một phần của văn hóa dân tộc. Điều quan trọng nền tảng là việc nhận thức đúng về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự cường, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự với đấu tranh ngoại giao để phát huy tổng hợp sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, cùng với việc đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc khẳng định những nhận định đúng đắn về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 nhằm tiếp nối truyền thống, hun đúc khí chất và nuôi dưỡng sức mạnh nội lực của người Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cần nâng cao cảnh giác với âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc để tán phát những thông tin, bài viết nhằm mục đích xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc.  

(QUỐC SÁCH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *