NHẬN DIỆN BỆNH CÔNG THẦN, KIÊU NGẠO CỘNG SẢN – BIỂU HIỆN CỦA “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là căn bệnh tuy không mới nhưng hết sức nguy hiểm. Người mắc căn bệnh này là những cán bộ, nguyên là cán bộ lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội. Trong đó, nhiều người có công lao, thành tích, nhưng đáng tiếc là không giữ mình dẫn đến kiêu ngạo, công thần, thậm chí chà đạp cả lý tưởng đã từng theo đuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đề cập: “Cậy mình có một ít thành tích thì tự kiêu, tự đại, cho mình là “cứu tinh” của dân, “công thần” của Đảng”. Người chỉ rõ: “Có người cậy mình là “công thần cách mạng” rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng”. Những dự báo mà Bác đã chỉ ra, cho đến nay vẫn còn đúng trong thực tế. Ngày nay, trong đời sống xã hội đa chiều, người cán bộ, đảng viên cần phải có chính kiến đấu tranh với cái xấu nhưng phải trên tinh thần xây dựng, xuất phát từ cái tâm. Những tiếng nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tùy tiện để tự nâng mình lên bằng cách bôi nhọ người khác, chê bai chế độ là hết sức đáng trách. Phê phán không đúng lại kèm theo bệnh công thần, kiêu ngạo thì vô cùng tai hại.

Biểu hiện những người mắc bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản thường rất dễ nhận biết. Đối với cán bộ, đảng viên, biểu hiện đầu tiên là kiêu ngạo, sa vào lối sống thực dụng, sa sút ý chí phấn đấu; giảm sút niềm tin vào Đảng; phai nhạt lý tưởng cộng sản, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Lâu dần trong quá trình tự thúc đẩy từ bên trong của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến đến viễn vông chủ nghĩa, so đo, đố kị, không còn ý thức rèn luyện, phấn đấu, tách mình ra khỏi tổ chức, coi thường tổ chức, thực hiện nói, viết và làm trái với cương lĩnh, xa rời nền tảng tư tưởng của Đảng. Đấu tranh đòi hỏi quyền lợi, chế độ một cách vô lý, không có trong quyền và nghĩa vụ chính đáng mình được hưởng.

Có thể thấy đại đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều ý thức được rằng, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Do đó, việc đem trí tuệ, sức lực, thậm chí sinh mạng để lao động, sáng tạo, phấn đấu là hiển nhiên, thể hiện sâu sắc quyền, nghĩa vụ đã được hiến pháp quy định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên và quần chúng có tư tưởng, hành động so đo, xét lại từ lối sống thực dụng. Coi chút thành tích, công trạng của mình là to lớn, hơn người mà tỏ ra huênh hoang; coi thường tổ chức, coi thường người khác. Thậm chí, do những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy chế của cơ quan, đơn vị mà tổ chức không thể đãi ngộ thỏa đáng thì tỏ ra tiêu cực, chống đối, coi thường, thù hằn và có những hành động nói, làm, viết trái với quan điểm, đường lối của Đảng. Đương nhiên, họ không tự biết mình đang nhiễm căn bệnh “công thần, kiêu ngạo cộng sản” và tự đánh mất chính mình.

Để phòng, chống bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, chính chủ nghĩa cá nhân sinh ra bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh háo danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân; tích cực học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, nghiêm khắc phê phán những thái độ, hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước. Đảng, Nhà nước và mỗi tổ chức cần xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức vi phạm kỷ luật. Điều đó sẽ tạo ra động lực và sức mạnh tinh thần to lớn giúp mọi cán bộ, đảng viên vượt qua mọi thử thách và cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân để phấn đấu cho lợi ích của Đảng, của Nhân dân đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

(BVPB)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *